Thứ 5, 26/12/2024, 01:21[GMT+7]

Tích cực để “tàu 67” vươn khơi

Thứ 5, 19/10/2017 | 08:59:26
1,240 lượt xem
Theo danh sách được UBND tỉnh phê duyệt, đến nay, toàn tỉnh có 26 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 6/2017 đã có 8 tàu được đóng mới, chủ yếu là tàu ở Tiền Hải và Thái Thụy, công suất tàu từ 650 - 850CV.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để việc đóng tàu cá theo Nghị định số 67 đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá điều kiện của cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh. 

Qua kiểm tra, đánh giá tại 6 cơ sở, đoàn đã đề nghị UBND tỉnh giữ nguyên các cơ sở: Công ty TNHH Công nghiệp và thương mại 30/6; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền; Công ty Cổ phần Đại Dương; Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Chung Bảo Tín trong danh sách các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có quyết định đưa ra khỏi danh sách các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67 đối với Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình và Doanh nghiệp tư nhân cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn.

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 67, nhìn chung, các cơ sở đóng tàu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Vỏ tàu, máy chính và các thiết bị bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện vỏ tàu cá của chủ tàu Bùi Văn Cử bị bong tróc, hoen gỉ, hư hỏng lớp sơn bề mặt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với chủ tàu, chủ cơ sở đóng tàu nhanh chóng khắc phục bề mặt vỏ tàu, bảo dưỡng trang thiết bị và hiện tàu đã đưa trở lại khai thác.

“Tàu 67” đóng tại Công ty Cổ phần Đại Dương.

Song song với các hoạt động trên, công tác thẩm định, xét duyệt cho vay đóng tàu cá theo Nghị định số 67 cũng được quan tâm, chú trọng. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình, kết quả thẩm định, xét duyệt cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67 trong đợt 1 có 8 chủ tàu đã ký hợp đồng vay vốn; 3 chủ tàu không tham gia chương trình hoặc đề nghị ngân hàng lùi thời gian thực hiện dự án; 7 chủ tàu xin rút hồ sơ vay vốn; 2 chủ tàu không có nhu cầu tham gia chương trình và 6 chủ tàu không đủ điều kiện vay vốn, dừng xem xét hồ sơ, dừng tài trợ dự án. 

Trong lần làm việc với các chủ tàu đề nghị tham gia đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67 đợt 2, có 1 chủ tàu không vay, 1 chủ tàu cần nghiên cứu thêm trước khi quyết định vay vốn, 1 chủ tàu không đủ điều kiện tham gia, 2 chủ tàu nâng cấp tàu không khả thi, 2 chủ tàu có khả năng vay nếu chứng minh được đang hoạt động nghề cá và chứng minh được phương án khả thi, 4 chủ tàu có khả năng cho vay nếu chứng minh được khả năng tài chính. 

Đến nay, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên đã triển khai thực hiện được 8 đợt với tổng số 248 hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên và 248 hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ.  

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định số 67 đến nay vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ. 

Theo ông Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình: Nguyên nhân việc xét duyệt hồ sơ cho vay còn hạn chế là do hầu hết các chủ tàu chưa nắm bắt đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến vay vốn theo Nghị định số 67. Phần lớn các chủ tàu đăng ký tham gia Nghị định số 67 để hưởng chính sách hỗ trợ chứ chưa xuất phát từ nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của bản thân. Nhiều chủ tàu không thực sự quan tâm đến chương trình. Ngoài ra, một số chủ tàu đã được phê duyệt gửi hồ sơ vay vốn tới ngân hàng nhưng lại không phối hợp với ngân hàng để thẩm định hoặc xin rút hồ sơ. Bên cạnh đó, một số địa phương, nhất là chính quyền cấp xã thẩm định điều kiện tham gia chương trình của một số chủ tàu chưa chặt chẽ, chưa sát sao trong việc đôn đốc chủ tàu bổ sung, hoàn thiện các điều kiện liên quan… 

Cũng theo ông Thạch, đến nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình đã chỉ đạo chuyển 280 triệu đồng hỗ trợ mua thiết bị bộ đàm tới 8 chủ tàu đóng tàu theo Nghị định số 67 đã được tỉnh phê duyệt. 

Ông Nguyễn Văn Cường, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) chia sẻ: Việc hỗ trợ kinh phí này giúp các chủ tàu có điều kiện để đầu tư mua thiết bị bộ đàm trang bị cho tàu đóng mới, nâng cấp, góp phần bảo đảm an toàn trong mỗi chuyến ra khơi.

Theo ông Đoàn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để giải quyết được các hạn chế trên, trong thời gian tới, các địa phương và các ngành liên quan cần rà soát lại danh sách chính thức, kiểm tra năng lực của các chủ tàu, tránh gây mất thời gian xét duyệt cho vay vốn. Đồng thời, có giải pháp cụ thể hơn để rà soát, đôn đốc các chủ tàu đóng tàu cá theo Nghị định số 67 nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị định số 67. 

Tại cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 67, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân cho các chủ tàu đã được thẩm định, đồng thời rà soát, xét duyệt và thẩm định tiếp cho các chủ tàu đủ điều kiện; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành hướng dẫn điều kiện lựa chọn chủ tàu cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia thực hiện Nghị định số 67 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả Nghị định số 67.

Ngọc Mai


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày