Thứ 5, 26/12/2024, 02:13[GMT+7]

Cấp bách phòng trừ bệnh lùn sọc đen

Thứ 6, 20/10/2017 | 09:08:07
900 lượt xem
Xuất hiện lần đầu vào vụ mùa năm 2009, sau 8 năm “vắng bóng”, bệnh lùn sọc đen (LSĐ) trở lại, gây hại trên lúa mùa năm 2017 và lan ra diện rộng, UBND tỉnh phải công bố dịch. Đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị, nguy cơ gây mất trắng đối với diện tích bị nhiễm là rất lớn. Việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay là tiêu diệt nguồn bệnh, ngăn chặn bệnh lây lan sang các vụ sau.

Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa cần vệ sinh đồng ruộng để phòng bệnh lùn sọc đen.

Vụ mùa năm 2017 thời tiết có nhiều bất thường, tạo điều kiện rất thuận lợi cho sâu bệnh trên cây lúa phát sinh với diện tích và mức độ tăng đột biến so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, nhất là rầy lưng trắng và bệnh LSĐ gây hại trên lúa. 

Mặc dù đã có cảnh báo sớm về dịch bệnh LSĐ, cơ quan chuyên môn đã tham mưu kịp thời với UBND tỉnh để triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở song việc tuân thủ quy trình phòng, trừ rầy, đặc biệt ở giai đoạn lúa mới cấy, ở các vùng gieo thẳng và chăm sóc cây lúa phục hồi của người dân chưa bảo đảm nên bệnh LSĐ phát sinh mạnh từ trung tuần tháng 8 đến cuối vụ, mức độ gây hại rất lớn, nhiều cánh đồng bị nhiễm bệnh, nhiều gia đình mất trắng. 

Để phòng, trừ dịch bệnh, UBND tỉnh đã công bố dịch tại 3 huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, đồng thời hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tạm ứng kinh phí để phòng, chống bệnh LSĐ tại 3 huyện có dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng, trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh LSĐ. Bệnh gây hại trên tất cả các giống lúa, trừ giống nếp dài ngày, trà lúa gieo cấy sau ngày 10/7, lúa gieo thẳng mức độ bị bệnh nặng hơn. Thời kỳ lúa trỗ bông và chín, bệnh LSĐ biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhất, lúa vẫn trỗ bông song không vào mẩy được hoặc hạt bị đen. 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tổng diện tích thiệt hại do LSĐ gây ra là 14.080ha, trong đó diện tích thiệt hại từ 30 - 70% là 7.588ha, diện tích thiệt hại trên 70% là 6.492ha. Như vậy, sau 8 năm “ngủ yên”, bệnh LSĐ đã xuất hiện trở lại, gây hại lúa ở Thái Bình. Vụ mùa năm 2009 diện tích nhiễm bệnh là 5.289ha, diện tích mất trắng là 3.613ha; vụ xuân năm 2010 diện tích nhiễm 17.759ha, diện tích mất trắng 1,09ha; vụ mùa năm 2010 diện tích nhiễm 5.500ha, diện tích mất trắng 200ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nếu không diệt trừ hiệu quả rầy thì vi rút vẫn tồn tại trên ruộng, từ đó có thể bùng phát dịch trong vụ đông năm 2017 và những vụ tiếp theo. Một trong những giải pháp quan trọng chính là thực hiện triệt để các biện pháp kỹ thuật để tiêu diệt nguồn bệnh và tạo điều kiện bất lợi cho sự phát sinh, phát triển của rầy môi giới và bệnh LSĐ. Các địa phương cần tiêu hủy cây lúa bị bệnh, phun thuốc diệt rầy, phát động toàn dân vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ ngay sau khi thu hoạch để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển, dọn sạch cỏ bờ để hạn chế tối đa nơi trú ẩn của rầy môi giới. Ngay khi kết thúc vụ mùa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành đặt bẫy đèn theo vùng sinh thái để theo dõi rầy, lấy mẫu xét nghiệm để phòng bệnh sớm, đồng thời hướng dẫn nông dân xử lý hạt giống trước khi gieo. Tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân cách phát hiện và phòng, trừ đối tượng môi giới truyền bệnh là việc làm cần thiết. 

Về lâu dài, để phòng, trừ bệnh LSĐ hiệu quả, cần triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp để trồng cây khỏe, nâng cao sức đề kháng của cây trồng như không cấy các giống nhiễm rầy và bệnh LSĐ; áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp; xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất cánh đồng lớn ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình hữu cơ, quy trình sạch để bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng; nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, mô hình quản lý bệnh LSĐ hại lúa…

Căn cứ vào số liệu tổng hợp, áp dụng theo quy định của Chính phủ, Thái Bình đã đề nghị trung ương hỗ trợ một phần chi phí sản xuất do thiệt hại của bệnh LSĐ, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 20,5 tỷ đồng.

Tâm lý chủ quan, lơ là, nhận thức mơ hồ về bệnh LSĐ khiến hơn 14.000ha lúa bị thiệt hại là bài học kinh nghiệm đắt giá cần được các địa phương và bà con nông dân lưu tâm trước khi bước vào những vụ sản xuất tiếp theo.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày