Thứ 4, 24/07/2024, 02:27[GMT+7]

Nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:24:34
644 lượt xem
Năm 2017, ngành Nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức: biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão, lũ, mưa lớn xảy ra liên tiếp gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân; thị trường nông sản đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và áp dụng nhiều chính sách bảo hộ; dịch bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương; sức vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh; sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí đã tạo sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất cao trong toàn ngành, đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kết quả năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 25.783 tỷ đồng, tăng 2,48% so với năm 2016. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, điện, kênh mương, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn… được quan tâm đầu tư xây dựng; diện mạo và đời sống nhân dân ở nông thôn không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, chưa có sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, liên kết sản xuất và hoạt động chế biến nông sản còn hạn chế.

Năm 2018, nhiệm vụ của toàn ngành là phải thực hiện có hiệu quả mục tiêu mà kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra với ngành Nông nghiệp; thực hiện việc cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, coi trọng áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 tăng trưởng 2,7% trở lên, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với năm 2017, sản lượng lương thực trên 1 triệu tấn.

Thực hiện việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có ứng dụng cơ giới hóa. Tập trung triển khai thí điểm đề án tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình sản xuất với quan hệ sản xuất mới nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững và ổn định. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa khoảng 8.000ha, nâng tổng diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đạt khoảng 12.000ha; diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoảng 15.000ha.

Ảnh: Thành Tâm.

Tiếp tục chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau, màu có giá trị kinh tế cao; khuyến khích mở rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn, tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, phù hợp với yêu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn VietGAP; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu. Chủ động kiểm soát dịch bệnh gia cầm; thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng trưởng cao, bền vững. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung; mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) vào sản xuất, tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ và của tỉnh; khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng mới tàu, thuyền khai thác xa bờ, quản lý chặt chẽ tàu, thuyền trong mùa mưa bão.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.

Phạm Văn Dụng

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày