Thứ 7, 11/05/2024, 11:58[GMT+7]

Quỳnh Hải Vụ đông đến sớm

Thứ 5, 25/08/2011 | 14:25:14
2,868 lượt xem
Vào thời điểm phần lớn diện tích lúa mùa của các địa phương khác mới ở vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, một phần diện tích chuyển sang đứng cái làm đòng thì ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) hơn nửa diện tích lúa mùa đã trổ bông, một phần diện tích trà cực sớm bông đã uốn câu vào mẩy.

Trà lúa mùa cực sớm ở Quỳnh Hải đang trổ bông vào mẩy.

Mặc dù phải đối mặt với thách thức rất lớn về thời vụ song Quỳnh Hải vẫn phấn đấu sau thu hoạch lúa mùa sẽ gieo trồng 340ha cây vụ đông các loại, bảo đảm hoàn thành kế hoạch huyện giao.

 

Dù không phải lần đầu tiên về Quỳnh Hải nhưng mới giữa tháng 8 dương lịch mà tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa nơi đây trổ bông, vào mẩy vẫn khiến chúng tôi có cảm giác ngạc nhiên thú vị. Không ngạc nhiên sao được khi mà năm nay thời vụ thu hoạch lúa xuân bị chậm hơn trung bình các năm tới hơn nửa tháng, có những nơi như Tiền Hải chỉ mới kết thúc gieo cấy lúa mùa cách đây vài tuần thế nhưng ở Quỳnh Hải có những thôn như An Phú phần lớn diện tích lúa mùa đã trổ bông, đang vào mẩy, phần nhỏ diện tích còn lại đòng cũng đã già, đang chuẩn bị trổ bông. Ngay cả trà đại trà hiện cũng qua giai đoạn đẻ nhánh rộ, đang đứng cái làm đòng…

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Nam- Chủ nhiệm HTX Quỳnh Hải cho biết, cũng như hầu hết các địa phương khác ở Quỳnh Phụ, thời vụ thu hoạch lúa xuân năm nay bị chậm mất nửa tháng khiến thời gian gối vụ gần như không còn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ gieo cấy lúa mùa mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến kế hoạch gieo trồng cây vụ đông của xã, nhất là nhóm cây ưa ấm. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khâu thời vụ, Ban chỉ đạo sản xuất của xã đã đưa ra các giải pháp kịp thời, quyết liệt như: Khuyến khích nông dân chủ động thu hoạch lúa xuân khi vừa chín tới, thậm chí chấp nhận thu hoạch khi lúa mới chín được 80- 90%; ưu tiên giải phóng quỹ đất tại những nơi quy hoạch để trồng cây vụ đông ưa ấm; sử dụng quỹ đất chuyên màu để gieo mạ dược kết hợp gieo mạ trên nền đất cứng, bảo đảm không để ruộng phải chờ mạ; gặt tới đâu, lật đất ngay tới đó.

 

Đặc biệt, để hạn chế sự chậm trễ về thời vụ, HTX đã chỉ đạo các hộ dân chọn cấy những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn đến cực ngắn, trung bình từ 90- 100 ngày như: QR1, TH3- 3, Khang dân, Bắc thơm, N87. Nhờ các giải pháp nói trên, Quỳnh Hải đã hoàn thành gieo cấy hơn 150ha trà lúa mùa cực sớm trước ngày 20/6 và hoàn thành gieo cấy toàn bộ 288,8ha lúa mùa trước ngày 15/ 7.

 

Mặc dù thời vụ gieo cấy trà cực sớm có chậm hơn trung bình các năm khoảng 1 tuần nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch gieo trồng cây vụ đông ưa ấm của xã bởi với lịch thời vụ như hiện nay thì chỉ tuần đầu của tháng 9 tới là nông dân đã có thể triển khai thu hoạch lúa mùa và thu hoạch rộ trà cực sớm vào trung tuần tháng 9. Thời điểm này hoàn toàn nằm trong khung thời vụ tốt nhất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Còn với trà đại trà thì thời gian thu hoạch cơ bản trùng với các năm trước, do vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng nhóm cây ưa lạnh.

 

Do đặc thù sản xuất vụ đông ở Quỳnh Hải là nhóm cây ưa ấm thường chiếm phần lớn diện tích, trong đó chỉ riêng cây ớt đã chiếm non nửa tổng diện tích cây vụ đông của xã (150/ 340ha). Vì vậy ngay từ giữa tháng 8 dương lịch, khi mà đại đa số nông dân ở các xã khác đang dồn sức cho công tác chăm sóc và bảo vệ lúa mùa thì người dân Quỳnh Hải còn phải tất bật thêm với một công việc nữa đó là chuẩn bị đất mồi để làm bầu gieo hạt các loại cây ưa ấm như ớt, bí xanh, su hào, bắp cải, cần tây, tỏi tây…Sau khi trồng khoảng 20 ngày, khi cây ớt có độ cao khoảng 20cm, su hào và bắp cải cao khoảng 10cm thì lúa mùa cũng vừa cho thu hoạch. Nông dân gặt lúa tới đâu có thể dọn rạ, lật đất và đưa cây non ra trồng ngay tới đó theo phương châm "sáng lúa, chiều màu", thậm chí là "cuối ruộng gặt lúa, đầu ruộng trồng màu". Riêng với diện tích ớt trồng trên vùng đất chuyên màu, người dân còn phải chuẩn bị đất mồi và gieo giống sớm hơn. Đến nay cây ớt giống đã được 2- 3 lá, bảo đảm sẵn sàng đưa ra trồng vào khoảng đầu tháng 9 tới.

 

Tuy nhiên điều mà người dân Quỳnh Hải đang lo lắng lúc này không phải là khó khăn về thời vụ mà là sâu bệnh hại. Do đặc điểm sản xuất vụ mùa năm nay là vừa thu hoạch lúa xuân, vừa lật đất, vừa gieo mạ và vừa cấy lúa mùa nên sâu bệnh có điều kiện chuyển từ lúa xuân sang mạ và lúa mùa mới cấy. Mặc dù đã chỉ đạo phun trừ cho toàn bộ diện tích mạ mùa trước khi cấy nhưng so với mọi năm thì năm nay sâu bệnh xuất hiện sớm, phân bố rộng và diễn biến khá phức tạp. Nguy hiểm nhất là các đối tượng sâu cuốn lá, rầy các loại và sâu đục thân hai chấm. Chỉ trong vòng một tháng, xã đã phát động hai chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá cho toàn bộ diện tích lúa mùa nhằm bảo vệ an toàn bộ lá công năng và lá đòng, nếu không diệt trừ kịp thời sâu cuốn lá có thể làm giảm năng suất từ 20- 30%.

 

Dự kiến từ nay đến cuối vụ, sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, nhất là rầy các loại sẽ có 2 đợt nở rộ vào cuối tháng 8 và giữa tháng 9. Ngoài ra, sâu đục thân hai chấm cũng sẽ nở rộ vào đầu tháng 9 tới. Vì vậy các hộ dân cần tổ chức thăm đồng thường xuyên và chấp hành nghiêm sự điều hành của HTX trong việc phòng trừ sâu bệnh. Nếu lơ là, chủ quan rất có thể cuối vụ sẽ xảy ra cháy rầy cục bộ và làm bạc bông đối với trà lúa trỗ vào đầu tháng 9.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày