Thứ 3, 31/12/2024, 06:01[GMT+7]

Tái đàn vật nuôi gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh

Thứ 3, 20/03/2018 | 09:15:50
1,182 lượt xem
Để phục vụ nguồn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, một số lượng lớn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ. Hiện các địa phương đang chú trọng tái đàn, ổn định lại hoạt động chăn nuôi.

Tiêm phòng cho đàn vật nuôi ở xã Nam Cao (Kiến Xương).

Tuy nhiên, công tác tái đàn diễn ra vào thời điểm giao mùa nên thời tiết có nhiều yếu tố bất thuận, gây ảnh hưởng tới đàn vật nuôi. Do vậy, người chăn nuôi ở các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Cùng với nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung cho công tác tái đàn, gia đình ông Hoàng Văn Quý ở thôn Hưng Đạo, xã Bình Định (Kiến Xương) cũng đang chú trọng chăm sóc con giống để nhanh chóng phát triển đàn mới. 

Ông Quý cho biết: Gia đình tôi thường xuyên nuôi 10 con lợn nái, hơn 20 con lợn thịt cùng hàng trăm con gà thương phẩm. Để phục vụ cho việc tái đàn, ngay từ trước tết gia đình đã chủ động được con giống theo hình thức tự cung; đồng thời, tiến hành vệ sinh khu chăn nuôi, khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi mới.

Năm 2018, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giữ ổn định đàn lợn khoảng 1 triệu con; đàn gia cầm trên 12,7 triệu con; đàn trâu, bò khoảng 65.000 con. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành; tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất chăn nuôi, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi; tư vấn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi...

Trước ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, dịch bệnh, tình hình tiêu thụ, các ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi khi tái đàn phải lựa chọn con giống ở các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng để kiểm soát được nguồn bệnh trước khi nhập đàn, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ chăn nuôi mới; chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình; tích cực chuyển hướng theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, cân đối đàn cho phù hợp, liên kết với các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... 

Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Minh Khai (Hưng Hà) cho biết: Để công tác tái đàn đạt kết quả cao, chúng tôi hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các khâu chuẩn bị chuồng trại, con giống, vệ sinh thú y. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, khi nuôi lứa mới phải vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng.

Cùng với chú trọng công tác tái đàn, ngành chăn nuôi Thái Bình cũng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi và định kỳ thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng. 

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời tiết giai đoạn vụ xuân hè có nhiều thay đổi, nhiệt độ bắt đầu tăng, thường có gió đông và đông nam gây mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tái đàn mạnh nên mật độ gia súc, gia cầm non tăng cao. 

Gia súc, gia cầm non là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do sức đề kháng thấp, vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; khi mới nhập gia súc, gia cầm về nuôi vào những ngày thời tiết thay đổi nên bổ sung thêm kháng sinh vào thức ăn hoặc nước uống để phòng bệnh đường tiêu hóa và hô hấp; thường xuyên thu dọn phân, rác, thay chất độn chuồng, xử lý chất thải bằng các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; định kỳ phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan; chú trọng theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan.

Thanh Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày