Chủ nhật, 24/11/2024, 21:26[GMT+7]

Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

Thứ 2, 02/04/2018 | 08:14:53
1,784 lượt xem
Dưới sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, nông dân không còn nhận thức “càng bón nhiều càng tốt”, hiệu quả sử dụng phân bón khá cao, tuy nhiên không tránh khỏi sự thất thoát, lãng phí gây ô nhiễm môi trường, tồn dư trong nông sản.

Do thói quen canh tác, hiện nay, nông dân đang lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ, đặc biệt là urê để chăm sóc cây trồng, trong khi nông nghiệp thế giới đã chuyển mạnh sang sản xuất bền vững bằng cách sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Đã đến lúc phải tăng diện tích sản xuất cây trồng sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ để có một nền nông nghiệp bền vững.

Mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 120.000 - 130.000 tấn phân bón cho cây trồng.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”- điều đó cho thấy vai trò quan trọng của phân bón đến năng suất, sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, với những ưu điểm: nhanh, tiện lợi, phân bón vô cơ từ lâu đã thay thế phân hữu cơ có nguồn gốc động vật, thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Ông Đỗ Xuân Hậu, thôn Tăng, xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Gia đình tôi cấy 1,4 mẫu ruộng, sử dụng hoàn toàn các loại phân vô cơ. Trước đây, khi còn chăn nuôi lợn, gà, mỗi vụ gia đình cũng có vài xe phân chuồng để bón lót nhưng giờ không chăn nuôi nữa nên chỉ bón NPK, urê dù biết về lâu dài không tốt cho đất.

Nông dân các địa phương trong tỉnh chăm sóc, thu hoạch khoai tây.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc bón phân hóa học, đặc biệt là urê không đúng cách, lạm dụng dẫn tới bón dư thừa không chỉ gây lãng phí mà còn là nguyên nhân của hiện tượng lúa lốp, cây dễ sâu bệnh, đổ ngã. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 225.000ha cây trồng các loại, trong đó lúa gần 160.000ha, luân canh từ 2 - 4 vụ/năm. Với diện tích như vậy, trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 120.000 - 130.000 tấn phân bón, chủ yếu vẫn là phân bón hóa học. Dưới sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, nông dân không còn nhận thức “càng bón nhiều càng tốt”, hiệu quả sử dụng phân bón khá cao, tuy nhiên không tránh khỏi sự thất thoát, lãng phí gây ô nhiễm môi trường, tồn dư trong nông sản. Ngược lại với phân bón hóa học, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng còn tác dụng cải thiện chế độ mùn và vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi vì thế tăng hiệu quả sử dụng. Mở rộng diện tích sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thân thiện với môi trường.

Vụ mùa 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình thí điểm sử dụng phân bón vi sinh Power Ant cho một số cây trồng tại 18 xã của 8 huyện, thành phố. Phân bón Power Ant là loại phân bón gốc vi sinh chứa hệ thống vi sinh vật cải thiện độ phì nhiêu của đất và phân giải các chất dinh dưỡng (đạm, lân, kali) trong đất cho cây trồng, do có tác dụng phân giải các vi sinh vật nên hỗ trợ cải tạo kết cấu đất, tăng độ màu mỡ của đất. Phân bón Power Ant giúp giảm lượng phân bón vô cơ xuống 20 - 30% nhưng năng suất và chất lượng nông sản vẫn tăng. Vụ xuân năm 2018, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai mô hình nhằm từng bước giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đất trồng lúa, tạo được sản phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế tàn dư phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, trong đất, trong nước… góp phần bảo vệ môi trường.

Thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua là rào cản lớn trong việc thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, đưa các loại phân bón hữu cơ trở lại thay thế phân bón vô cơ. Vì vậy, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, có thêm nhiều hơn nữa những mô hình thí điểm cùng những chính sách hỗ trợ đặc thù để có thể từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày