Thứ 6, 03/01/2025, 02:45[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Tập trung phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân

Thứ 2, 23/04/2018 | 09:11:37
755 lượt xem
Vụ xuân năm 2018, Quỳnh Phụ gieo cấy 11.600ha lúa. Hiện nay, lúa đã bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của thời tiết đã tạo thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn.

Nông dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cho lúa xuân.

Những ngày này, nông dân các xã trên địa bàn huyện tích cực thăm đồng, chủ động phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.

Trên cánh đồng các xã Đông Hải, An Dục, An Vũ, An Ninh, An Ấp, Quỳnh Hội..., bà con đang tích cực kiểm tra đồng ruộng, thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa xuân trong giai đoạn mẫn cảm với các loại dịch hại. 

Ông Chu Công Phượng, Giám đốc HTX DVNN xã An Ninh cho biết: Ngay sau khi phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện trên lúa xuân, HTX đã chỉ đạo khoanh vùng, tổ chức phun thuốc phòng, trừ kịp thời. Song do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp, xen kẽ có mưa nhỏ, trời âm u đã tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng, gây hại cho lúa xuân đang trong giai đoạn mẫn cảm, đặc biệt trên các giống nhiễm. Trong các ngày 28/3, 6/4 và 11/4, HTX đã có thông báo chỉ đạo và hướng dẫn thành viên phòng, trừ bệnh đạo ôn. Chúng tôi khuyến cáo bà con tích cực kiểm tra đồng ruộng, quan tâm tới tất cả các giống lúa, kể cả những diện tích đã phun trừ, nếu phát hiện có và còn vết bệnh đạo ôn phải sử dụng thuốc đặc hiệu phòng, trừ ngay. Đồng thời, yêu cầu đội thủy nông bảo đảm đủ nước trên diện tích bơm điện phục vụ cho phòng, trừ sâu bệnh và sinh trưởng của lúa.

Là một trong những địa phương xuất hiện ổ lùn lụi do bệnh đạo ôn, những ngày qua, công tác chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân được xã An Hiệp quyết liệt thực hiện. 

Ông Nguyễn Thành Tín, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ xuân năm nay, An Hiệp gieo cấy 245ha lúa. Đến thời điểm này, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh, UBND xã đã phân công cán bộ các ban, ngành, đoàn thể xuống các thôn đôn đốc, hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo phun trừ kịp thời. HTX viết bài tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng đầy đủ các loại thuốc đặc hiệu để phục vụ nông dân. Do ảnh hưởng của thời tiết nên một số diện tích hiệu quả phòng, trừ chưa cao. Toàn xã có khoảng 2,1 mẫu, tập trung ở các thôn Nam Cầu 1, Nam Cầu 2, Nam Cầu 3 bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, lúa có biểu hiện lùn lụi. UBND xã yêu cầu trưởng thôn phối hợp với cán bộ ngành xuống nhắc nhở tới từng gia đình, khuyến cáo người dân sử dụng luân phiên các loại thuốc, tránh sử dụng 3 lần liền với cùng 1 loại, tăng lượng nước thuốc đã pha lên 20 - 25 lít/sào, vơ sạch và tiêu hủy những lá bị bệnh trước khi phun để bảo đảm hiệu quả. Đến nay, cơ bản bệnh đạo ôn đã được khống chế.

Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên đồng ruộng một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh, gây hại lúa xuân, điển hình như bệnh đạo ôn hại lá và bệnh lùn sọc đen; một số xã xuất hiện những ổ lùn lụi do bệnh đạo ôn gây hại như Quỳnh Hải, An Hiệp, An Đồng, An Khê, Đông Hải, Quỳnh Trang, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Khê… Nếu không tổ chức phòng, trừ tốt, bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gây hại nặng trên lá từ nay đến cuối tháng 4. 

Trước tình hình đó, Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản và đôn đốc chỉ đạo kịp thời; đồng thời, thành lập tổ công tác, phối hợp chặt chẽ với các xã, cán bộ nông nghiệp, HTX DVNN thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tra cụ thể các khu đồng bị hại nặng, trên cơ sở đó hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ. UBND huyện phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân từ 11/4 - 30/5.

Chủ động phun thuốc phòng, trừ, chăm sóc đúng kỹ thuật là những giải pháp tích cực mà cán bộ, nông dân Quỳnh Phụ đang thực hiện. Mong rằng, với sự cần cù của người dân và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, vụ xuân ở Quỳnh Phụ sẽ đạt kết quả cao.

  • Khi lúa nhiễm bệnh đạo ôn, tuyệt đối không được bón đạm, phân qua lá và phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng;
  • Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Ensino 365SC, Filia 525SC, Kasai S-92SC, Katana 20SC, Bump 650WP... để phun với nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì; không sử dụng 3 lần phun liền cùng 1 loại thuốc;
  • Phun ướt đều các tầng lá, sau 3 - 5 ngày kiểm tra lại, nếu còn vết bệnh phải phun nhắc lại.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày