Chủ nhật, 05/01/2025, 09:00[GMT+7]

Đông Long: Bảo vệ “dải đê mềm”

Thứ 4, 16/05/2018 | 08:30:21
1,900 lượt xem
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, Đông Long (Tiền Hải) là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn (RNM) lớn với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. RNM được xem như “dải đê mềm” cho khu vực này. Để bảo vệ, phát triển RNM, những năm qua, xã đã có nhiều cách làm thiết thực, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Nhận thức được giá trị to lớn của rừng ngập mặn, người dân Đông Long đã có ý thức bảo vệ tốt hơn.

Đồng chí Dương Văn Tuẩn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với gần 4,2km đê biển, Đông Long hiện có 400ha RNM và gần 200ha mới trồng chưa thành rừng. RNM không chỉ mang đến màu xanh mát mắt mà còn là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của rất nhiều loại hải sản, tạo điều kiện cho nghề khai thác hải sản phát triển. Không chỉ vậy, RNM còn là “dải đê mềm” ngăn bão, gió hữu hiệu cho 150ha đầm, giúp người dân yên tâm nuôi trồng thủy hải sản. Trước kia, người dân xem nhẹ việc bảo vệ RNM do nhận thức hạn chế, tuy nhiên, khi thấy vai trò to lớn của rừng đối với phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng, ý thức gìn giữ, phát triển rừng được nâng lên rất nhiều.

Để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ RNM, Đông Long đã thành lập đội bảo vệ RNM từ nhiều năm qua. 

Ông Đặng Văn Nhỡ, đội trưởng đội bảo vệ RNM cho biết: Đội gồm 7 thành viên, được chia làm 2 tổ phụ trách kiểm tra, giám sát 2 khu vực theo từng ngày. Mỗi tuần đội tổ chức họp giao ban, đánh giá hoạt động, từ đó tham mưu cho chính quyền trong việc nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, quản lý, điều hành công tác bảo vệ RNM. Nội quy quản lý và phát triển RNM được chính quyền địa phương xây dựng, phổ biến đến người dân. Vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng giảm đáng kể, không còn tình trạng chặt phá cây lấy củi. Tuy nhiên, đội phải giám sát chặt chẽ hoạt động chăn thả gia súc, chặt phá cây để nuôi ngao tự phát; cùng với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân khai thác nguồn lợi thủy sản đi đôi với việc bảo vệ rừng. Trước kia, khi RNM chưa được phủ kín, 4,2km đê phải trực diện với sóng, bão, chính quyền phải huy động mọi lực lượng ra ứng cứu. 

Nhận thức được giá trị to lớn của RNM, người dân Đông Long đã có ý thức bảo vệ tốt hơn cho nguồn tài nguyên quý giá của mình. Khoảng 10 năm trở lại đây, được tiếp nhận nhiều dự án của các tổ chức, đơn vị, đồng thời đổi mới cách thức, loại cây trồng, thay vì trồng trực tiếp tiến hành ươm cây trong bầu, khi cây đạt chiều cao nhất định mới mang ra trồng, sử dụng cây bần vì khả năng thích ứng cao đối với sinh thái nơi đây nên hiệu quả trồng rừng được cải thiện rõ rệt. 

Từ ý thức bảo vệ, chăm sóc RNM, hiện nay các diện tích rừng trồng trên địa bàn xã phát triển tốt, đây cũng là môi trường sống thích hợp cho các loài thủy hải sản. RNM đã mang lại nguồn khai thác thủy sản ổn định cho khoảng 1.000 hộ dân, đời sống của người dân vì vậy cũng được nâng lên, trung bình mỗi đêm việc đánh bắt mang lại thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/người.

Để bảo vệ “dải đê mềm”, giải pháp của Đông Long trong thời gian tới là tích cực phối hợp cùng cơ quan chuyên môn hàng năm khảo sát, đánh giá hiện trạng RNM; duy trì tốt hoạt động của đội bảo vệ; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về vai trò, giá trị của RNM; hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái RNM.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày