Chủ nhật, 05/01/2025, 09:27[GMT+7]

Chăm sóc lúa giai đoạn trỗ bông

Thứ 4, 16/05/2018 | 08:33:45
12,506 lượt xem
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20.000ha lúa xuân đã trỗ bông, lúa trỗ bông rộ từ ngày 10 - 25/5. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng lúa cả vụ. Để bảo đảm cho lúa phát triển tốt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và phòng, trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.

Nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, gia đình bà Bùi Thị Tin, thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng) gieo cấy 7 sào lúa bằng các giống chất lượng cao gồm TBR225 và T10. Để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại, gia đình bà thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, chăm sóc, bón phân, làm cỏ. Do thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn phát triển mạnh, từ đầu vụ đến nay bà đã nhiều lần phun thuốc phòng, trừ. 

Bà Tin cho biết: Hiện, lúa đang trong giai đoạn ôm đòng, chỉ vài ngày nữa là trỗ bông. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định tới năng suất, trong khi HTX lại có khuyến cáo bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, rầy tiếp tục phát sinh bởi vậy tôi thăm đồng ngày 1 - 2 lần để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và phun thuốc phòng, trừ.

Đến nay Hưng Hà có trên 6.200ha lúa xuân trỗ bông. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phạm Văn Bình cho biết: Đạo ôn cổ bông là bệnh nguy hiểm và chỉ có thể phòng chứ không có biện pháp trừ, vì vậy huyện đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo, đôn đốc người dân tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn 2 lần khi lúa thấp tho trỗ và khi lúa trỗ thoát hoàn toàn, đặc biệt chú ý những diện tích đã từng bị bệnh đạo ôn lá. Đối với diện tích lúa chưa trỗ, khuyến cáo bà con tích cực kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phun thuốc phòng, trừ theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh với năng suất lúa.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dịch hại trên đồng ruộng vẫn còn diễn biến phức tạp. Sâu cuốn lá nhỏ có mật độ cao ở một số vùng như Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, thành phố Thái Bình… sâu non tiếp tục bổ sung mật độ và gây hại ở đầu tháng 5, ngoài ra, xung quanh ngày 15 - 20/5 trên đồng ruộng có đợt sâu cuốn lá nhỏ lứa gối sâu non nở. Sâu đục thân hai chấm có nguy cơ gây bông bạc cho những diện tích lúa trỗ sau ngày 10/5. Bên cạnh đó, rầy lứa 2 tiếp tục bổ sung mật độ và gây hại, đặc biệt trên diện tích chưa được phòng, trừ ở giai đoạn cuối tháng 4 và những nơi không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”; rầy lứa 3 dự báo rầy non nở rộ từ sau ngày 20/5 trở đi, gây hại trên trà lúa từ trỗ bông đến chín, có mật độ cao nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời, đồng thời gây cháy lúa cục bộ ở giai đoạn cuối vụ. Ngoài ra, bệnh khô vằn đang phát sinh mạnh, cần phun phòng, trừ bệnh ở những diện tích có tỷ lệ bệnh từ 5% trở lên, đặc biệt là những diện tích lúa cấy, lúa gieo thẳng mật độ dầy, chân ruộng cao; bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt, chuột… gây hại ở từng thời điểm nhất định. 

Thời tiết trong tháng 5 được dự báo còn diễn biến bất thường như có mưa rào và dông, gió mùa đông bắc, đồng thời từ 10/5 trở đi lúa xuân ở các địa phương trỗ bông rộ, do vậy nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại… phát sinh, gây hại nặng nếu không được quan tâm, chỉ đạo phòng, trừ kịp thời.

Để bảo đảm an toàn sâu bệnh cuối vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt cho tất cả các giống lúa trỗ bông sau ngày 10/5, đặc biệt quan tâm khi thời điểm lúa trỗ gặp mưa, các giống nhiễm bệnh như: BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Bắc thơm 7, Q5… phun 2 lần: lần 1 khi ruộng thấp tho trỗ, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn. Ở những vùng có nguồn sâu đục thân hai chấm cao, nhất là diện tích lúa trỗ bông sau ngày 15/5 cần phun phòng, trừ, thời điểm phòng, trừ từ ngày 12 - 15/5. Diện tích có mật độ rầy 1.500 con/m2 trở lên cần chủ động phòng, trừ tránh rầy gây cháy lúa ở giai đoạn cuối vụ. Ngoài ra, trên những diện tích lúa trỗ bông muộn sau ngày 20/5 ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương cần chủ động phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ ở thời điểm sau ngày 20/5. Ngoài ra, bà con cần giữ nước giúp cây lúa làm đòng và trỗ bông thuận lợi; với những diện tích lúa có biểu hiện đói ăn, vàng lá, cây còi cọc cần bón bổ sung 2 - 3kg/sào NPK chuyên thúc có hàm lượng kali cao.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày