Chủ nhật, 05/01/2025, 09:16[GMT+7]

Hưng Hà: Tích cực bảo vệ lúa xuân cuối vụ

Thứ 5, 17/05/2018 | 08:40:54
837 lượt xem
Đến thời điểm này, gần 11.000ha lúa xuân của huyện Hưng Hà sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, hiện nông dân các địa phương trong huyện đang tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa cuối vụ.

Nông dân huyện Hưng Hà phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân.

Tính đến ngày 10/5, lúa xuân toàn huyện Hưng Hà đã trỗ được khoảng 6.000ha. Để bảo vệ lúa cuối vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tổ chức phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 25 - 29/4 cho 9.200ha, phòng, trừ sâu đục thân hai chấm cho 1.700ha, phun phòng đạo ôn cổ bông, phòng, trừ rầy và lùn sọc đen đạt hiệu quả tốt. Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ cơ bản an toàn. Trên diện tích lúa trỗ sớm xuất hiện bông bạc do sâu đục thân hai chấm gây hại rải rác, nơi cao 1 - 2% và đạo ôn cổ bông tỷ lệ bệnh rải rác, nơi cao 1 - 2%. 

Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Minh Hòa chia sẻ: Vụ xuân này gia đình gieo cấy 5 sào. Những ngày qua, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành chuyên môn và địa phương, gia đình tôi đã thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho toàn bộ diện tích.

Theo ông Đinh Văn Sâm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Dân Chủ: Những ngày qua, địa phương phát hiện rải rác bệnh đạo ôn trên lúa xuân. HTX đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa. Từ ngày 20/3, nông dân trong xã đã tiến hành phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. Đến hết tháng 4/2018, diện tích lúa xuân đã cơ bản được phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Để bảo đảm an toàn cho lúa từ nay đến cuối vụ, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng, đồng thời hướng dẫn nông dân cách phun thuốc đạt hiệu quả cao.  

Bà Trần Thị Tuyến, Quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm từ ngày 25 - 29/4 đã kết hợp phòng, trừ rầy cho 100% diện tích để hạn chế nguồn rầy và giảm nguy cơ truyền vi rút bệnh lùn sọc đen trên lúa. Tuy nhiên, hiện nay, sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá nhỏ dồn mật độ gây hại nặng cho diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5. Hiện tại trưởng thành sâu đục thân hai chấm có tỷ lệ rải rác 0,05 con/m2, trứng mật độ 0,05 - 0,1 ổ/m2, nơi cao 0,2 - 0,3 ổ/m2. Một số địa phương có mật độ sâu cao như xã Thái Phương, Thống Nhất, Độc Lập… Rầy lứa 2 hiện nay cũng xuất hiện trên diện rộng với mật độ 50 - 100 con/m2, cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2 như các xã Hồng Minh, Hòa Tiến... 

Dự báo rầy lứa 3 sẽ nở rộ vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, nơi cao có thể từ 5.000 đến hàng vạn con/m2, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa và gây cháy lúa nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Ngoài ra, do thời tiết gần đây nhiệt độ cao, nắng nóng, tạo điều kiện cho bệnh khô vằn phát triển. Trên các giống nhiễm tỷ lệ bệnh khô vằn từ 1 - 3%, cao từ 10 - 15%, cục bộ từ 30 - 40%. Tính đến ngày 10/5, toàn huyện có 1.000ha lúa bị nhiễm khô vằn, trong đó nhiễm nhẹ 900ha, nhiễm trung bình 100ha.

Trước tình hình trên, huyện Hưng Hà chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức phòng, trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp với sâu cuốn lá nhỏ cho diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5 và diện tích lúa đến ngày 15/5 chưa trỗ thoát hoàn toàn. Thời gian phòng, trừ từ ngày 12 - 15/5. 

Đối với sâu đục thân hai chấm phun phòng, trừ có hiệu quả nhất khi lúa thấp tho trỗ, những xã có mật độ cao có thể phun trước 1 ngày. Riêng diện tích lúa trỗ sau ngày 20/5 cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. 

Đối với rầy nâu, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phát động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện rầy, khi kiểm tra phải lội xuống ruộng, rẽ lúa, quan sát gốc lúa, đặc biệt kiểm tra các giống lúa nhiễm rầy như Bắc thơm 7, BC15, nếp các loại và những vùng thường xuyên nhiễm rầy. 

Với diện tích lúa hiện nay chưa trỗ, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân nên dùng các loại thuốc phòng, trừ theo hướng dẫn. 

Đối với diện tích lúa giai đoạn chín sữa đến chín hoàn toàn, nếu mật độ rầy 1.500 con/m2 trở lên khuyến cáo nông dân nên dùng thuốc phun phòng, trừ đúng với hướng dẫn. 

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt, hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần nếu khi lúa trỗ bông gặp nhiệt độ thấp, trời âm u, ẩm độ cao. 

Đối với bệnh khô vằn, tiến hành phun phòng, trừ khi tỷ lệ bệnh trên 5%. Lưu ý, đối với lúa đang trỗ cần tiến hành phun thuốc vào buổi chiều và bảo đảm đủ nước ở những diện tích phải phòng, trừ nhằm bảo vệ an toàn cho lúa xuân cuối vụ.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày