Thứ 3, 07/01/2025, 05:51[GMT+7]

Cần có bước đi dài hơi để khắc phục thiếu lao động nông nghiệp

Thứ 2, 28/05/2018 | 09:42:05
856 lượt xem
Phần lớn lao động trong độ tuổi đi làm ăn xa hoặc làm công nhân ở các doanh nghiệp với mức thu nhập cao, ổn định hơn đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của ngành Nông nghiệp.

Nông dân xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây ớt.

Vụ xuân năm 2018, HTX DVNN Tân An, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) gieo trồng được 37ha cây màu xuân, trong đó diện tích chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu được 5ha. 

Theo ông Trần Quang Cai, Giám đốc HTX thì diện tích này thấp hơn so với những năm trước đây. Trước đây, đất đai không bao giờ được “nghỉ”, từng tấc đất đối với người dân Quỳnh Hoàng thực sự là “bờ xôi ruộng mật”. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, đặc biệt là thanh niên lựa chọn đi làm thuê ngoài tỉnh hay làm công nhân tại các xí nghiệp, doanh nghiệp vừa không phải chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại có mức thu nhập cao, ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp, thì mặc dù HTX đã tích cực tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị trong bao tiêu nông sản, giúp thành viên yên tâm sản xuất nhưng để duy trì diện tích gieo trồng cây màu hàng năm rất khó khăn.

Tình trạng bỏ ruộng hoang cũng diễn ra ở nhiều xã, đặc biệt các xã phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ở vụ xuân năm 2018, diện tích ruộng bỏ hoang không gieo cấy trong toàn tỉnh khoảng 400ha, trong đó có một phần nguyên nhân do thiếu hụt lao động. 

Ông Phạm Văn Toàn, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Làm nông nghiệp vất vả, mỗi vụ số tiền lãi chỉ đủ bù cho chi phí và công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Như gia đình tôi, hai vợ chồng cùng làm công nhân may, tổng thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng, ruộng không cấy mà cho người khác thuê lại, không có người thuê cũng đành bỏ hoang.

Thiếu hụt lao động khiến mỗi khi vào vụ, nhiều người “đỏ mắt” tìm người cấy thuê, phun thuốc trừ sâu thuê với công cao mà cũng khó thuê cho kịp thời vụ. Lao động trong nông nghiệp phải tận dụng cả thời gian lẫn tuổi tác.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, giải pháp tối ưu là đẩy mạnh tiến độ cơ giới hóa nhằm giảm công lao động thủ công. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ kinh phí mua máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Đến nay, các khâu làm đất, tưới nước, thu hoạch đạt tỷ lệ gần 100%. Toàn tỉnh có khoảng 5.000 máy làm đất các loại, trên 1.500 máy gặt, 154 máy cấy lúa. Các khâu gặt giảm từ 2,1 - 2,7 triệu đồng/ha, khâu làm đất giảm từ 1,2 - 2,1 triệu đồng/ha. 

Ông Nguyễn Huy Tuấn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) cho biết: Con cái lập nghiệp, xây dựng gia đình ở xa, chỉ có hai vợ chồng tôi ở nhà, cấy 3 sào ruộng để lấy thóc ăn. Tuổi cao không thể trực tiếp sản xuất nên vợ chồng tôi phải thuê người cấy, gặt. Tuy trả công cao nhưng rất khó tìm người để kịp thời vụ. Từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, làm nghề nông nhàn hẳn, làm đất, cấy, thu hoạch đều có máy, vừa nhanh vừa rẻ hơn so với làm thủ công khoảng 100.000 đồng/sào.

Ngày 24/9/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 16/QĐ-UBND ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, trong đó căn cứ thực tế sản xuất ở các địa phương tập trung hỗ trợ các loại máy: cấy, gặt đập liên hợp, thiết bị kho lạnh bảo quản giống khoai tây. Chỉ tính riêng năm 2017, các địa phương trong tỉnh đề nghị hỗ trợ 205 máy gặt, 290 máy cấy, 19 kho lạnh.

Cơ giới hóa góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.

Thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp phản ánh xu thế chuyển dịch của nền kinh tế, đặt ra yêu cầu ngành Nông nghiệp cần có bước đi dài hơi không chỉ khắc phục tình trạng này mà còn hướng tới hiệu quả cao, bền vững.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày