Thứ 3, 07/01/2025, 05:42[GMT+7]

Bảo vệ đàn lợn những ngày nắng nóng

Thứ 2, 28/05/2018 | 10:33:31
2,227 lượt xem
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh có gần 1 triệu con. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài gây bất lợi cho sự phát triển của đàn lợn. Để đàn lợn phát triển tốt, người chăn nuôi các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp chống nóng, bảo vệ sức khỏe cho đàn lợn.

Chuồng nuôi lợn được đầu tư hệ thống quạt làm mát.

Gắn bó với nghề nuôi lợn nái và lợn thịt từ nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Xuân Tường ở thôn Đồng Đại 3, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) luôn chú trọng bảo vệ sức khỏe cho đàn lợn trong điều kiện thời tiết bất thuận. 

Ông Tường cho biết: Ngay từ khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tôi đã chọn hướng Đông Nam bảo đảm thoáng mát về mùa hè, đồng thời trồng nhiều cây xanh xung quanh để tạo bóng mát. Trong chuồng nuôi được đầu tư hệ thống làm mát hiện đại. Bước vào mùa nắng nóng, để tiện cho việc chăm sóc đàn lợn, tôi quan tâm theo dõi các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, từ đó chủ động trong việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cũng như giữ nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp, bảo đảm cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Nếu trời quá nắng nóng, tôi vệ sinh chuồng trại 3 lần trong ngày, bơm nước lên khắp thành, sàn chuồng giúp giảm nhiệt. Nguồn nước vệ sinh chuồng trại là nước giếng sạch, nước thải được xử lý bằng hệ thống bể biogas để tránh ô nhiễm môi trường.

Cũng nuôi lợn nhưng gia đình anh Hà Đức Hạnh ở thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) lại chủ yếu nuôi giống lợn rừng Thái Lan. 

Theo anh Hạnh: Mặc dù lợn rừng là động vật hoang dã có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi không khó nhưng trong thời điểm nắng nóng như hiện nay cũng cần chú ý đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn lợn. Thức ăn chủ yếu cho lợn rừng là bèo bòng, thân cây chuối, các loại rau củ, quả, hạt, ngoài ra trộn bã bia, cám ngô, cám gạo đem ủ men khoảng một tuần rồi cho lợn ăn thêm để bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng. Chuồng nuôi được lắp thêm quạt làm mát, trên mái được phủ rơm, rạ, lá cọ để tránh hấp thụ nhiệt; những hôm quá nắng nóng tôi còn dùng vòi nước phun lên mái để tạo độ ẩm.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ và độ ẩm thường duy trì ở mức cao khiến đàn lợn ăn kém, sức đề kháng giảm dẫn đến dễ mắc các loại dịch bệnh như tiêu chảy, cảm nóng, viêm phổi, tụ huyết trùng… Để bảo vệ sức khỏe đàn lợn trong giai đoạn nắng nóng, người chăn nuôi cần bảo đảm chuồng trại được thông thoáng, trồng cây xanh xung quanh khu vực chăn nuôi tạo bóng mát; sử dụng các vật liệu làm mát như tấm phên, bạt phủ để che mái chống nắng, chống nóng; nếu có điều kiện có thể dùng hệ thống phun nước tưới mái để giảm nhiệt. Trong chuồng nuôi, nền chuồng phải bảo đảm sạch sẽ, không để ứ đọng phân, nước tiểu của gia súc. Dùng quạt để làm mát chuồng nuôi; nên sử dụng quạt tường để làm mát, độ cao của quạt cao hơn thân gia súc từ 1,5 - 2m, không nên dùng quạt trần vì sẽ đẩy không khí nóng từ trên xuống. Nếu chuồng nuôi hiện đại có hệ thống quạt thông gió thì chú ý chế độ quạt và độ ẩm cho phù hợp. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi và tắm cho lợn từ 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, phòng các bệnh ngoài da; đối với chuồng nuôi của đàn lợn con đang theo mẹ phải luôn khô ráo.

Bên cạnh đó, nuôi gia súc trong mùa hè cần bảo đảm yếu tố giãn mật độ nuôi cho phù hợp. Đối với lợn nái cần diện tích từ 3 - 4m2/con, lợn thịt cần diện tích 2m2/con. Về chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn trong những ngày nắng nóng, cần giảm lượng thức ăn tinh bột, tăng khẩu phần thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, củ, quả và thức ăn giàu protein. Bảo đảm đủ nước cho lợn uống tự do cả ngày; bổ sung thêm vitamin C, chất điện giải cho lợn uống vào khoảng thời gian từ 10 - 15 giờ. Người chăn nuôi nên cho lợn ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát, chia làm nhiều bữa, không cho lợn ăn quá no, đặc biệt đối với lợn nái đang mang thai. Không nên tiêm phòng, tách đàn hoặc xuất bán vào thời điểm nắng nóng trong ngày.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày