Thứ 2, 25/11/2024, 04:39[GMT+7]

Tây Giang bảo vệ lúa xuân cuối vụ

Thứ 2, 28/05/2018 | 10:34:14
881 lượt xem
Đến nay, khoảng 225ha lúa xuân của Tây Giang (Tiền Hải) đã trỗ thoát, đang vào mẩy. Để bảo vệ lúa xuân cuối vụ, xã đã tuyên truyền bà con nông dân tích cực thăm đồng, phát hiện các đối tượng sâu bệnh như bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn…, chủ động điều tiết nước, bảo đảm năng suất và sản lượng lúa theo kế hoạch đã đề ra.

Nông dân Tây Giang phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Tại cánh đồng thôn Cát Già, chị Nguyễn Thị Chín cho biết: Theo khuyến cáo của HTX, nông dân chúng tôi đã kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh trong giai đoạn lúa trỗ thoát. Hiện nay, 5 sào lúa xuân của gia đình phát triển ổn định, lúa đang chín sữa. Tuy nhiên, một số diện tích đã xuất hiện bệnh đạo ôn, do đó tôi đã mua thuốc tại cơ sở uy tín, tiếp tục phun phòng, trừ sâu bệnh, không để bệnh lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. 

Còn đối với diện tích lúa xuân của gia đình ông Tô Văn Nam, thôn Nam đã hoàn thành phòng, trừ bệnh đạo ôn lần 2. Ông Nam chia sẻ: Lúa trỗ bông đến chín là thời kỳ quyết định năng suất, do đó cần chú trọng chăm sóc, thực hiện tốt việc phòng, trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy và điều tiết nước hợp lý.

Qua kiểm tra của HTX DVNN, đến thời điểm này, lúa xuân của Tây Giang phát triển ổn định, tuy nhiên, trong giai đoạn này, lúa rất dễ phát sinh các loại sâu bệnh ảnh hưởng trực tiếp khi lúa xuân đang trỗ vào mẩy. Theo ngành chuyên môn dự báo do thời tiết những ngày qua, nhiệt độ cao, nắng nóng, làm cho lúa trỗ bông tỷ lệ nghẹn đòng cao, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy phát sinh gây hại. Trong đó có đối tượng rầy lứa 3 sẽ nở rộ vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, nơi cao hơn 4.000 con/m2, gây hại lúa đang vào mẩy nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. 

Để bảo vệ lúa xuân đến cuối vụ, Tây Giang đã tích cực tuyên truyền đến nông dân phun thuốc phòng, trừ đúng với hướng dẫn, khuyến cáo. Đối với rầy nâu, nông dân cần rẽ lúa, quan sát gốc lúa, đặc biệt kiểm tra các giống lúa nhiễm rầy như Bắc thơm 7, BC15, nếp các loại và bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt, phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lần 2 theo khuyến cáo...

 Ngoài việc cử nhân viên tích cực kiểm tra thực tế tại đồng ruộng và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phòng, trừ sâu bệnh, HTX còn phối hợp với ngành chuyên môn của huyện tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra, khoanh vùng diện tích lúa dễ bị nhiễm sâu bệnh hại để triển khai các biện pháp phòng, trừ từ nay đến cuối vụ. 

Song song với công tác phòng, trừ một số loại sâu bệnh cho lúa xuân, Tây Giang chỉ đạo nông dân tập trung điều tiết nước mặt ruộng bảo đảm cho lúa sinh trưởng trong thời kỳ trỗ bông. Tập trung chăm sóc lúa giai đoạn trỗ bông để đủ dinh dưỡng lúa chín sữa, vào mẩy, kéo dài tuổi thọ lá đòng, tăng khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng đã tích lũy từ thân lá về hạt, giúp cho hạt mẩy.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày