Thứ 4, 24/07/2024, 14:19[GMT+7]

Hỗ trợ nông dân thoát nghèo, làm giàu

Thứ 6, 22/06/2018 | 08:33:52
580 lượt xem
Chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp vốn vay, mua phân bón trả chậm, vận động hội viên tích tụ ruộng đất, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tham gia các mô hình sản xuất kinh tế tập thể... là những hình thức hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được Hội Nông dân huyện Thái Thụy triển khai thực hiện có hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ 2012 - 2018.

Nhiều hộ nông dân huyện Thái Thụy vay vốn đầu tư nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao.

Là 1 trong 87 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới” được vinh danh và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2017, ông Nguyễn Văn Liệu, thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên được nhiều người nể phục về ý chí và khát vọng làm giàu. Từ năm 1996 ông đã mạnh dạn đấu thầu hơn 30ha khu đất vùng bãi ven sông Diêm Hộ để khai hoang, đắp đập, xây cống làm đầm nuôi tôm sú và cua xanh. Đến năm 2010 ông lại tự học hỏi, mày mò, nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật “Lưu cá vược giống qua đông” và “Nuôi cá vược thương phẩm ghép 3 đối tượng: cá vược - cá rô phi - vọp”. Giờ đây ông Liệu đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi trồng thủy sản với thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Liệu còn tận tình chia sẻ với bà con trong vùng kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá vược và một số loại cá có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, ông còn chuyển nhượng 21ha ao, đầm cho 16 hộ khác trong vùng để họ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản. 

Ông Liệu chia sẻ: Thành công hôm nay bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của tôi còn có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp hội nông dân trong việc tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng, khoa học kỹ thuật... từ những ngày đầu còn khó khăn. Vì thế tôi luôn muốn chia sẻ, giúp đỡ những người nông dân như mình kinh nghiệm sản xuất để từ đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh, nhiệm kỳ qua, các cấp hội nông dân huyện Thái Thụy đã triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn cho nông dân; tín chấp mua trên 2.000 tấn phân bón các loại theo phương thức chậm trả giúp hội viên yên tâm sản xuất; đồng thời, thực hiện tốt hợp đồng ủy thác ký với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay hộ nghèo và các hộ chính sách khác. Đến nay, Hội quản lý 157 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận ủy thác nguồn vốn với dư nợ đạt 142 tỷ đồng cho 5.348 hộ vay. Tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 4.573 hộ hội viên vay trên 170 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Ngoài ra, các cấp hội luôn quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, trong nhiệm kỳ đã tổ chức 2.671 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 174.190 lượt hội viên; tổ chức 42 buổi hội thảo cho 1.692 lượt hội viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại giống cây con mới; tổ chức 253 buổi cho trên 3.000 lượt cán bộ, hội viên tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất công nghiệp có hiệu quả trong và ngoài huyện. Nhờ được vay vốn, trang bị kiến thức, kỹ thuật sản xuất đã giúp rất nhiều hộ nông dân đầu tư vào sản xuất các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhiệm kỳ qua, Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động 7 tổ hợp tác tại 7 xã. Đặc biệt, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” cho sản phẩm tỏi của huyện. Việc làm này từng bước đã góp phần giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân trồng tỏi thông qua việc quảng bá thương hiệu “Tỏi Thái Thụy” trên thị trường.

Vùng trồng tỏi xã Thụy Trường (Thái Thụy).

Theo ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tới các phong trào chung của hội, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Hiện nay Hội có 42.675 hội viên, chiếm 80% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, tăng 14% so với đầu nhiệm kỳ. 

Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh, các cấp hội còn tích cực vận động hội viên giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hàng năm có từ 400 - 500 hộ nghèo, hộ khó khăn được các chi hội đăng ký giúp đỡ bằng nhiều hình thức; đồng thời, vận động hội viên cho nhau vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ nhau giống, vốn, ngày công lao động để đầu tư sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2017 xuống còn 3,82% (giảm 4,35% so với đầu nhiệm kỳ).

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày