Thứ 2, 25/11/2024, 08:39[GMT+7]

Nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi

Thứ 3, 03/07/2018 | 08:24:54
653 lượt xem
Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT có những khuyến cáo để bà con nông dân lưu ý nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất trong điều kiện trời nắng nóng, khô hạn.

Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn này, nắng nóng không ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực trồng trọt. Trời nắng nóng, bà con nên tranh thủ làm đất, vì rơm rạ đang phân hủy nhanh.

Thứ hai là giữ nước mặt ruộng. Thứ ba là không nên bón nhiều đạm khi trời nắng nóng, vì có thể làm chết cây mạ. Khi gieo mạ không nên bón thúc đạm, mạ dễ bị chột. 

Đối với các loại cây ăn quả, ông Định cho biết, cây vải đã vào cuối mùa thu hoạch, sau đó bà con để cây nghỉ ngơi và tiến hành chăm sóc cây cho vụ năm sau. Đối với cây nhãn, đang trong giai đoạn nuôi quả, nắng nóng chỉ ảnh hưởng tới việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn của bà con. Bên cạnh đó, bà còn cần tưới nước bổ sung cho nhãn vào buổi tối và sáng sớm.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nắng  nóng như hiện nay sẽ có ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi, ảnh hưởng tới sinh lý của vật nuôi. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trâu, bò theo kiểu chăn thả.

Đối với lợn, ông Chinh cho biết, hầu hết các trang trại lớn đều có hệ thống làm mát. Do vậy, không ảnh hưởng nhiều tới chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, chưa có hệ thống làm mát cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương. Đối với trâu bò chăn thả, cần bổ sung nước và muối để tăng cường sức đề kháng.

Lường trước được diễn biến của thời tiết, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, địa phương để chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm.

Theo đó, các địa phương tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc. Hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi, gia súc, gia cầm… trong điều kiện khô hạn, tiết kiệm nước, chuẩn bị thức ăn, nước uống, tận dụng mọi nguồn nước dùng để làm nước uống cho gia súc, gia cầm

Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch (đặc biệt là rơm khô) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trước và trong mùa khô hạn.

Theo ông Chinh, những ngày khô hạn, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin... tăng cường đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm.

Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc, gia cầm vừa đủ để tránh lãng phí. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện.

Đặc biệt, theo Cục Chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Tiêm đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Định kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh. Đồng thời, phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng, cần quan tâm nhất là các bệnh đường ruột và tiêu hóa bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh.

Sau những đợt khô hạn kéo dài, đàn gia súc thường mệt mỏi, tăng tỉ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng... Vì vậy cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày