Thứ 2, 25/11/2024, 08:57[GMT+7]

Bình Định: Đẩy mạnh liên kết sản xuất trong vụ mùa

Thứ 6, 13/07/2018 | 08:58:16
1,023 lượt xem
Vụ lúa mùa năm nay, xã Bình Định (Kiến Xương) tiếp tục vận động nông dân tích tụ ruộng đất, tổ chức liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân.

Nông dân xã Bình Định (Kiến Xương) chống nắng cho mạ.

Vụ mùa năm nay, nông dân thôn Trần Phú, xã Bình Định rất phấn khởi vì được tham gia dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ có hợp đồng bao tiêu nông sản. 

Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng thôn Trần Phú cho biết: Dù thâm canh cây lúa hàng chục năm rồi nhưng khi thực hiện dự án cấy lúa theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, bà con rất háo hức, phấn khởi. Chúng tôi đã quy vùng sản xuất với diện tích 5ha và phối hợp với HTX, công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu ngâm ủ, gieo mạ, hướng dẫn mật độ cấy đến bón lót, bón thúc và phòng, trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học cho bà con nông dân. Toàn bộ diện tích cấy một giống lúa Đông A1, đây là giống lúa chất lượng cao và sản xuất theo tiêu chuẩn lúa hữu cơ nên nông dân rất hy vọng bội thu, bán được giá cao.

Không chỉ liên kết sản xuất lúa hữu cơ, vụ mùa này, nông dân Bình Định còn được HTX SXKD DVNN xã hợp đồng cấy hơn 200ha lúa làm giống với các giống BC15, TBR225 để cung ứng cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed). Đây là năm thứ mười địa phương liên kết với ThaiBinh Seed tổ chức cấy lúa giống nên bà con đều nắm vững quy trình thâm canh. Riêng vụ xuân năm 2018, do được mùa, nông dân Bình Định cung ứng hơn 500 tấn giống cho ThaiBinh Seed, thu về gần 4,5 tỷ đồng. Thắng lớn ở vụ xuân, bà con càng phấn khởi bắt tay vào sản xuất vụ mùa.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Để từng bước cơ giới hóa công đoạn cấy, vụ mùa này, HTX tổ chức trình diễn mô hình cấy máy mạ khay ở hai thôn Tân Đông và Hưng Đạo với tổng diện tích 20ha nhằm giới thiệu những ưu việt, lợi ích của việc cấy máy từ đó vận động nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chúng tôi đứng ra đảm nhận ngâm ủ giống, gieo, chăm sóc mạ khay và cấy rồi bàn giao ruộng cho bà con. Với giá từ 120.000 - 125.000 đồng/sào tùy từng giống lúa khác nhau, bà con không tốn công sức mà chi phí đầu tư giảm được một nửa.

Chưa bao giờ nông dân Bình Định thâm canh lúa thuận lợi như hiện nay. Không chỉ được hưởng các dịch vụ làm đất, giống, thủy lợi, khoa học kỹ thuật, bà con còn được HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng phân bón theo hai hình thức trả tiền ngay hoặc trả chậm để chăm sóc lúa kịp thời.

Hợp tác xã SXKD DVNN xã Bình Định tổ chức dịch vụ gieo mạ khay cấy máy cho nông dân ở vụ mùa năm 2018.

Chủ động điều tiết nước và tích cực tuyên truyền, vận động nông dân cày lật và bừa ngả, đến nay, Bình Định đã hoàn thành khâu làm đất. Từ ngày 11/7, bà con nông dân xuống đồng gieo cấy, phấn đấu kết thúc trước ngày 25/7 bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Xã phấn đấu năng suất lúa đạt 61 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 3.300 tấn. 

Để đạt được mục tiêu đó, song song với tập trung chỉ đạo nông dân gieo cấy 100% diện tích, làm tốt khâu chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, HTX còn tổ chức cho nông dân diệt ốc bươu vàng, diệt chuột bằng biện pháp thủ công kết hợp sử dụng thuốc, bả sinh học trước và sau khi cấy xong. HTX trích kinh phí tổ chức thu mua ốc với giá 500 đồng/kg và 700 đồng/kg trứng ốc nhằm khuyến khích nông dân diệt ốc bươu vàng không sử dụng thuốc hóa học góp phần bảo vệ môi trường. 

Đề phòng lúa chết vì ngập úng đầu vụ do mưa bão xảy ra, Bình Định huy động nhân lực, máy móc giải tỏa bèo bồng, vật cản, làm thông thoáng toàn bộ hệ thống sông, kênh, mương tưới, tiêu nội đồng; đồng thời, chỉ đạo nông dân gieo mạ dự phòng tăng từ 5 - 10% diện tích sẵn sàng cấy bổ sung khi cần, quyết tâm không để ruộng bỏ hoang do thiên tai.

Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày