Thứ 5, 09/01/2025, 05:05[GMT+7]

Cán bộ gom ruộng cấy lúa

Thứ 2, 16/07/2018 | 09:17:26
932 lượt xem
Bỏ ruộng hoang, cấy lúa để giữ ruộng đang là thực tế diễn ra ở một số địa phương. Nhưng với ông Mai Công Động ở thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ), đồng ruộng lại chính là tư liệu sản xuất mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm khi ông thuê lại 11,2ha ruộng và đầu tư cơ giới hóa để sản xuất.

Ông Động đầu tư máy cấy phục vụ sản xuất.

Với gần 20 năm gắn bó với nông nghiệp, từng là chủ nhiệm HTX, năm 2012, ông Động chuyển sang làm cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Quỳnh Trang. Tuy nhiên, cơ duyên với đồng ruộng, với hạt thóc khiến ông luôn đau đáu trước những thửa ruộng vốn được xem là “bờ xôi ruộng mật” do úng trũng, khó canh tác mà bị bỏ hoang. 

Ông Động chia sẻ: Ai cũng nói làm nông, nhất là cấy lúa vất vả mà thu nhập lại thấp. Nhưng tôi lại nghĩ khác, nếu sản xuất với quy mô lớn, sử dụng đất hợp lý thì làm nông nghiệp cũng ra tiền. Năm 2012, tôi thuê lại của xã 300m2 đất vốn là bãi rác, do không phù hợp với quy hoạch nên bãi rác chuyển đi nơi khác để xây dựng nhà lưới. Ban đầu, tôi sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy cho bà con trong xã, ngoài 2 vụ mạ, tôi luân canh thêm 4 vụ màu: hoa ly, cà chua, dưa kim cô nương, rau các loại cho thu nhập khá. Năm 2016, thấy bà con bỏ ruộng nhiều, thấy tiếc nên tôi thuê lại ruộng, dồn đổi để được thành vùng tập trung, diện tích 11,2ha để cấy lúa. Mở rộng diện tích cấy lúa nên 300m2 nhà lưới tôi sử dụng để gieo, bảo quản mạ khay phục vụ gia đình, tạm dừng việc trồng rau.

Khu vực sản xuất mạ khay phục vụ gieo cấy 11,2ha lúa của gia đình ông Động.

Theo ông Động, người nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào công lao động chân tay nên muốn hiệu quả nhất định phải áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Tập trung được diện tích gieo cấy lúa lớn, ông Động hướng tới một mục tiêu xa hơn chính là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Không chỉ đầu tư máy cấy, máy gặt, ông còn xây dựng kho sấy với công suất 3 tấn/lần; mua máy xay xát để sấy, bảo quản và tiêu thụ chính hạt thóc mình làm ra. Bước đầu hình thành sản xuất chuỗi giúp ông nâng cao giá trị kinh tế, chủ động trong sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, do áp dụng quy trình canh tác quản lý dịch hại tổng hợp IPM, vì vậy hạn chế sâu bệnh, tạo sản phẩm sạch so với sản xuất đại trà. Tới vụ thu hoạch, một lượng nhỏ được bán tươi cho một số doanh nghiệp, công ty, còn lại ông đưa vào lò sấy, bảo quản tại kho để xay xát bán lẻ cho người dân. 

Theo ông Động, sản xuất quy mô lớn, năng suất đạt 80% so với sản xuất nhỏ lẻ cũng đã có lãi rồi. Vụ xuân vừa qua, ông gieo cấy lúa Nhật J02 và một số lúa chất lượng cao, thu khoảng 50 tấn thóc, trừ mọi chi phí, ông thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng.

Cấy lúa bằng máy.

Không chỉ sản xuất lúa hàng hóa, ông Động còn quy vùng sản xuất lúa giống để phục vụ sản xuất của chính gia đình. 

“Tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ. Qua tham quan một số mô hình canh tác lúa - cá, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường mà còn nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất lên nhiều lần. Thời gian tới, tôi sẽ thử nghiệm chuyển đổi một phần diện tích sang canh tác theo công thức lúa - cá để tìm ra hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, diện tích canh tác sẽ duy trì hoặc giảm đi nếu giá trị sản xuất không bảo đảm để việc đầu tư không dàn trải, tránh thất thoát trong quá trình sản xuất” - Ông Động chia sẻ.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày