Thứ 5, 09/01/2025, 19:43[GMT+7]

Hướng làm giàu từ lúa

Thứ 3, 31/07/2018 | 08:35:31
1,202 lượt xem
Trong khi ở không ít địa phương nhiều nông dân đang thờ ơ với đồng ruộng thì ở xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) lại có một phụ nữ quyết tâm bám làng, bám ruộng, tích tụ gần 7ha đất để cấy lúa, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mỗi năm gia đình bà Thường thu lãi hàng trăm triệu đồng từ giống lúa mới.

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cũng như nhiều nông dân khác, bà Bùi Thị An Thường (thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa) quanh năm bận bịu với hạt lúa, củ khoai, dù vất vả song vẫn yêu đất. Năm 2015, thấy nhiều diện tích ruộng người dân bỏ hoang, tiếc ruộng, bà đã mạnh dạn thuê lại ruộng với mong muốn “khởi nghiệp”. Vẫn gắn bó với đất, với lúa nhưng muốn làm giàu cần phải tìm hướng đi mới.

Ban đầu, bà Thường thuê 7 mẫu và chỉ gieo cấy 2 giống lúa Hana và Akita của Nhật. Bà nhận thấy 2 giống lúa này có nhiều ưu điểm: thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống lúa thông thường (từ 100 - 105 ngày), năng suất cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với giống lúa thường. Trong khi các loại lúa thường giá bán chỉ khoảng hơn 5.000 đồng/kg thóc tươi thì giá bán lúa Nhật lại cao hơn hẳn. Bà được Công ty An Bình (Hải Dương) nhận cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá 7.000 đồng/kg. 

Nhận thấy hiệu quả ngay từ những vụ đầu, bà quyết định mở rộng diện tích. Bà đã thuê lại ruộng của 40 hộ và đất 5% của xã tổng cộng 7ha để sản xuất lúa hàng hóa. Tận dụng diện tích đất trống, gia đình bà còn trồng thêm bí xanh và các loại rau màu khác. Ngoài lực lượng lao động chính của gia đình, bà thuê thêm 10 lao động thời vụ với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Kiên trì bám ruộng, luân canh tăng vụ, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả đem lại rõ rệt. Sau khi trừ mọi chi phí, hai năm gần đây mỗi năm gia đình bà thu lãi từ 350 - 400 triệu đồng, một số tiền ít ai nghĩ rằng có thể đạt được nhờ canh tác lúa.

Mảnh ruộng trù phú đã mang lại cho gia đình bà Thường thu nhập đáng kể. Bà chia sẻ: Khi thấy tôi thuê ruộng diện tích lớn như vậy, nhiều người cho rằng tích tụ ruộng đất để trồng lúa là không khả quan bởi trồng lúa hiện nay lợi nhuận rất thấp. Nhưng với quá trình sản xuất và đầu ra hiện tại, bản thân tôi thấy khá hiệu quả. Mình vẫn làm giàu được từ cây lúa, không rời xa đồng ruộng, chỉ khác là phải cấy giống lúa mới và thực hiện phương thức canh tác mới. Vụ mùa vừa qua, theo thỏa thuận với phía công ty, bà Thường đưa vào gieo trồng giống lúa Nam Hương 4. Đến nay lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Tích tụ ruộng đất cấy lúa năng suất, chất lượng cao đang là hướng đi cần thiết hiện nay nếu muốn tăng hiệu quả canh tác trên cùng một đơn vị diện tích. Nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn sẽ không thể phát triển nếu người nông dân vẫn tiếp tục giữ quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Cách làm hiệu quả của bà Thường mở ra một hướng đi mới cho người nông dân thôn Phương Cáp nói riêng, xã Hiệp Hòa nói chung. 

Nhận xét về mô hình của bà Thường, ông Phạm Khắc Bỉnh, Giám đốc HTXNN xã Hiệp Hòa cho biết: Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế mới của xã Hiệp Hòa. Việc hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất chuyển từ làm ăn nhỏ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là hướng đi mà xã đang hướng tới để giúp các hộ nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày