Thứ 2, 25/11/2024, 13:20[GMT+7]

Tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 07/08/2018 | 08:31:01
3,728 lượt xem
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống úng cho lúa mùa đồng thời tích cực phun thuốc diệt ốc bươu vàng và đánh bắt chuột, bảo vệ sản xuất.

Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng, trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh

* Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, huyện Vũ Thư có 645ha lúa bị ngập, trong đó 220ha bị ngập nặng. Huyện đã kịp thời chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi vận hành 6 trạm bơm lớn để tiêu rút nước nội đồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra, nhanh chóng phục hồi sản xuất. 

Do chủ động các biện pháp nên đến thời điểm hiện tại đa số diện tích lúa đã được tiêu thoát nước, chỉ một phần nhỏ diện tích đất chân ruộng trũng chưa thể tiêu thoát được ngay. Hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục phòng, chống úng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực chỉ đạo các HTX hướng dẫn nông dân biện pháp diệt chuột và ốc bươu vàng, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của lúa mùa.

Nông dân xã Việt Hùng (Vũ Thư) tích cực thăm đồng, chăm sóc lúa.

Việt Hùng là một trong những địa phương cấy sớm, đến nay lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái làm đòng. 

Ông Trần Quý Hiệu ở thôn Mỹ Lộc 2, xã Việt Hùng cho biết: Với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, nạn chuột và ốc bươu vàng phá lúa phát sinh nhiều hơn những năm trước nên tôi vừa chủ động các biện pháp chống úng bằng máy bơm của gia đình vừa diệt chuột và ốc bươu vàng. Đến thời điểm này, xã có gần 30ha trên tổng số 415ha lúa mùa bị chuột và ốc bươu vàng cắn phá, trong đó HTXNN Tân Phong bị thiệt hại nặng nhất với gần 20ha. Vụ này, do mưa nhiều nên số lượng ốc bươu vàng xuất hiện khá lớn, có ruộng lượng ốc tới 15kg/sào. Nạn chuột cũng hoành hành đồng ruộng. Để khắc phục tình trạng trên, các HTX khẩn trương tuyên truyền và tổ chức các chiến dịch diệt chuột, ốc bươu vàng. Tính từ đầu mùa vụ đến nay, HTXNN Tân Phong đã tổ chức 2 đợt đánh thuốc diệt chuột bằng bả sinh học. Đa số hộ nông dân dùng nilon quây lúa, không để chuột tiếp tục cắn phá.

Ngoài Việt Hùng, xã Tân Hòa cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp chăm sóc lúa mùa sau mưa úng và tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng. Tính từ đầu vụ mùa đến nay, nông dân Tân Hòa đã diệt trừ được hơn 2.000 con ốc bươu vàng, gần 600 con chuột. Để ngăn ngừa sự sinh sôi, phát triển của ốc bươu vàng và chuột, xã cũng đã thành lập tổ diệt chuột, thí điểm ở 2 thôn Nhật Tân và Đại Hội gồm 14 thành viên trực thường xuyên để bảo vệ lúa.

Ốc bươu vàng đang là nỗi lo của nhiều nông dân.

Những năm gần đây, do diễn biến bất thuận của thời tiết nên nạn chuột và ốc bươu vàng hại lúa có xu hướng gia tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng. 

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, do làm tốt công tác tiêu úng nên số diện tích lúa mùa bị thiệt hại trên địa bàn huyện không đáng kể. Bên cạnh đó, công tác phòng, trừ bệnh lùn sọc đen được huyện triển khai rất quyết liệt. Ngoài xã Vũ Đoài được phát hiện bệnh lùn sọc đen từ đầu vụ đến nay, các xã còn lại chưa xuất hiện thêm biểu hiện của bệnh lùn sọc đen. Mặc dù vậy, huyện cũng đã chỉ đạo xã Vũ Đoài nói riêng, các xã còn lại nói chung kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, chủ động phòng, trừ bệnh lùn sọc đen, không để bệnh lây lan ra diện rộng. 

Hiện tại đang là mùa mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, chú ý công tác chống úng. Thời điểm này, chuột và ốc bươu vàng đang phát triển mạnh, gây hại cho lúa, bà con cần chú trọng sử dụng các biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, sử dụng các loại cạm, bẫy... thuốc diệt chuột sinh học để diệt chuột và ốc bươu vàng. Sử dụng phân bón chất lượng, bón cân đối và tập trung theo phương thức “nặng đầu nhẹ cuối” bảo đảm vụ mùa thắng lợi.

* Đến ngày 3/8, xã Minh Hưng (Kiến Xương) đã cấy được khoảng 200ha lúa mùa, bằng 85% kế hoạch, phấn đấu hoàn thành 100% diện tích gieo cấy trước ngày 5/8.

Càng về trưa không khí lao động trên cánh đồng thôn Nguyên Kinh 1 càng tất bật. Bà Nguyễn Thị Sửu cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi gieo cấy 7 sào từ đầu tháng 7, tuân thủ đúng lịch thời vụ HTX khuyến cáo. Tuy nhiên, lúa vừa xuống đồng thì gặp mưa liên tiếp, nước không thoát kịp nên 4 sào nằm ở vùng trũng bị chết, phải gieo mạ bổ sung bằng giống Nếp 97 để cấy lại. Hiện nước đã rút, tôi mượn thêm nhân công tập trung cấy để hoàn thành sớm nhất có thể.

Cũng như gia đình bà Sửu, gia đình bà Trần Thị Cậy phải gieo cấy lại 3,5 sào ruộng ở vùng úng trũng. Bà Cậy cho biết: Hầu hết các hộ trong thôn đã hoàn thành gieo cấy trong nửa đầu tháng 7 thế nhưng mưa liên tiếp trong thời gian dài gây ngập úng sâu, mạ cấy xuống chết hết phải ngâm ủ, gieo mạ sân để cấy lại. Chưa năm nào cấy lúa vất vả như năm nay. Cấy lại mà không biết có được ăn bởi chuột, ốc bươu vàng đang phá hại. Nước lớn, ruộng ngập, ốc bươu vàng gia tăng. Trước khi cấy tôi đã bắt một lần, khi đưa mạ ra ruộng tôi bắt lượt nữa mà vẫn còn nhiều ốc. Cấy hàng dưới thì hàng trên ốc leo cắn mạ, mạ non nên ốc cắn phá nhiều hơn.

Nông dân xã Minh Hưng (Kiến Xương) gieo cấy lại lúa mùa.

Toàn bộ diện tích cấy lại của xã Minh Hưng sử dụng giống Bắc thơm 7, Nếp 97 nhằm giúp bà con chủ động ứng phó với thời tiết xấu cuối vụ. Là “rốn nước” của huyện nên sản xuất nông nghiệp của xã luôn chịu nhiều rủi ro hơn so với các địa phương khác. Ngay sau khi nước rút, bà con bắt tay xuống đồng gieo cấy vụ mùa, trong đó gần 80% là gieo cấy lại. 

Ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Bình thường, mỗi vụ, HTX chỉ mất từ 10 - 15 triệu đồng tiền điện để điều hành nước phục vụ sản xuất nhưng ở vụ mùa này tính từ đầu vụ tới nay mất khoảng 40 triệu đồng tiền điện phục vụ tiêu thoát nước. Mặc dù tất cả máy bơm của HTX hoạt động liên tục trong nhiều ngày nhưng do mưa liên tục, kéo dài trong nhiều ngày, địa hình úng trũng nhất huyện cộng với triều cường dâng cao nên công tác tiêu thoát nước chậm, gần 80% diện tích đã cấy của bà con phải gieo cấy lại. Trước tình hình ngập úng, bên cạnh việc chăm sóc, bảo quản mạ chưa cấy, mạ dự phòng, HTX chỉ đạo các thôn thông báo cho người dân xuống giống ngâm ủ mạ bổ sung bằng các giống ngắn ngày như Bắc thơm 7, Nếp 97, khi nước rút hết khẩn trương huy động mọi lực lượng xuống đồng gieo cấy, từ vùng cao xuống vùng thấp; trước khi cấy cần phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ. Đến ngày 3/8, toàn xã đã gieo cấy được 85% diện tích. HTX đã tiến hành ngâm mộng, trộn thuốc, cấp khoảng 300kg mồi cho các thôn để tổ chức đánh chuột trên quy mô toàn xã. Để phòng, tránh bệnh lùn sọc đen phát sinh, gây hại, ngoài việc phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ, HTX sẽ phát động đợt phun trừ rầy trên toàn bộ diện tích ngay sau khi kết thúc gieo cấy.

Muộn thời vụ và có nhiều trà lúa nên tạo điều kiện cho sâu bệnh bùng phát và khó khăn trong điều tiết nước, phòng, trừ sâu bệnh đang là mối lo của xã Minh Hưng nói riêng và nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập úng nói chung. Đối với vụ mùa năm 2018, HTX SXKD DVNN xã Minh Hưng chỉ đạo nông dân khẩn trương bón thúc với quan điểm bón tập trung, cân đối NPK, giảm lượng phân, tăng kali để hạn chế bệnh bạc lá phát sinh gây hại. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng gây hại, nhất là rầy lưng trắng để ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của bệnh lùn sọc đen.

Thu Trang - Ngân Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày