Thứ 6, 10/01/2025, 04:44[GMT+7]

HTX SXKD DVNN xã Mỹ Lộc: Phát triển các khâu dịch vụ

Thứ 4, 22/08/2018 | 08:38:51
902 lượt xem
Với vai trò “bà đỡ” của nông dân, HTX SXKD DVNN xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) luôn chú trọng phát triển các khâu dịch vụ, tăng cường liên kết sản xuất để tăng thu nhập cho thành viên.

Nông dân xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Năm 2015, được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 1.868 thành viên, chiếm 98% hộ nông nghiệp, HTX SXKD DVNN xã Mỹ Lộc là một trong những HTX hoạt động dịch vụ trên lĩnh vực nông nghiệp, luôn phát huy khá tốt vai trò “cầu nối” với các dịch vụ cung ứng các khâu phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn. Hiện tại, ngoài 3 khâu dịch vụ bắt buộc: thủy nông, bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, HTX đảm nhận thêm 3 khâu dịch vụ: làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất. 

Về Mỹ Lộc đúng vào dịp lúa đang thời kỳ cuối đẻ nhánh, trên các cánh đồng, bà con đang tập trung chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa. 

Theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc HTX, lượng vật tư nông nghiệp HTX cung ứng mỗi năm khoảng 800 triệu đồng, theo hình thức trả chậm để tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, phục vụ 70% nhu cầu thành viên, trong đó riêng thuốc bảo vệ thực vật do HTX cung ứng chiếm khoảng 90% thị phần. 

Ông Kim Quang Tuấn, thôn Cao Mỹ - Cổ Lũng cho biết: Tham gia HTX, thành viên được ban quản lý cung cấp, tư vấn về giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật sản xuất lúa, dịch vụ làm đất... với chất lượng bảo đảm, giá thành rẻ hơn thị trường bên ngoài nên chúng tôi yên tâm sản xuất. Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, được tiếp cận những giống cây trồng mới nên mùa vụ lúc nào cũng cho năng suất cao.  

Làm đất là một trong những dịch vụ nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên. Năm 2017, HTX đầu tư trên 400 triệu đồng mua 2 máy làm đất đa năng công suất lớn để phục vụ thành viên với giá 120.000 đồng/sào/vụ đối với cấy lúa, 100.000 đồng/sào/vụ đối với trồng màu. Dịch vụ không chỉ mang lại chất lượng, giảm chi phí đầu tư cho thành viên mà còn góp phần bảo đảm khung thời vụ gieo trồng.

Vụ xuân năm 2018, HTX thuê lại 8ha đất của thành viên và của xã Thái Xuyên để sản xuất ngô giống, lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, trồng cây dược liệu cho Công ty Cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà. 

Chia sẻ về mô hình tập trung ruộng đất này, ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc HTX cho biết: Tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết, bao tiêu nông sản đang là hướng đi của ngành Nông nghiệp nói chung, mục tiêu của các HTX nói riêng. Với vai trò “cầu nối” giữa thành viên với doanh nghiệp, HTX mong muốn xây dựng mô hình để bà con thấy được lợi ích bền vững khi tham gia liên kết, từ đó nhân ra diện rộng. Trong 5ha trồng cây xạ cam có 4ha là của HTX, 1ha của các hộ thành viên tham gia. 

Tuy là cây trồng mới nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu, đây là cây trồng phù hợp với thực tế sản xuất ở Mỹ Lộc khi lao động nông nghiệp đang thiếu. Xạ cam có thời gian trồng dài (16 - 18 tháng), không mất nhiều công chăm sóc lại không phải phun trừ sâu bệnh, không bị chuột cắn phá. Là vụ đầu đưa về trồng tại địa phương nên công ty hỗ trợ hoàn toàn giống, phân bón, người dân chỉ bỏ công làm đất, gieo trồng. Theo lý thuyết, mỗi sào xạ cam cho thu lãi từ 14 - 16 triệu đồng. HTX hy vọng trong thời gian tới sẽ nhân rộng diện tích trồng cây xạ cam nói riêng, cây dược liệu nói chung có hợp đồng bao tiêu liên kết để tăng thu nhập cho thành viên.

Phát triển tốt các khâu dịch vụ vừa là tiền đề hình thành một mô hình kinh tế tập thể mới vừa là điều kiện để HTX SXKD DVNN xã Mỹ Lộc thực hiện tốt hơn vai trò của mình, góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày