Thứ 6, 10/01/2025, 12:49[GMT+7]

Vũ Thư: Bảo vệ lúa mùa cuối vụ

Thứ 4, 12/09/2018 | 08:39:07
1,625 lượt xem
Đến nay, gần 7.900ha lúa mùa của Vũ Thư đang ở giai đoạn đòng già, trỗ đến chắc xanh. Để bảo vệ lúa mùa cuối vụ, nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.

Nông dân Vũ Thư tập trung phun thuốc phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh cuối vụ.

Vụ mùa năm nay, HTXNN xã Minh Lãng gieo cấy 392ha lúa, trong đó chủ yếu là các giống BC15, Bắc thơm số 7 và lúa Nhật. 

Ông Phạm Văn Đàm, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, trên đồng ruộng của xã xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá và rầy các loại, dự báo từ nay cho đến lúc thu hoạch sẽ xuất hiện thêm bệnh bạc lá và khô vằn. Nếu không phun trừ kịp thời có thể gây tình trạng mất mùa cục bộ. Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh, theo chỉ đạo của huyện, HTX đã đôn đốc xã viên phun phòng, trừ sâu bệnh cho lúa từ ngày 8/8 - 20/9, trong đó tập trung vào 3 đối tượng sâu bệnh đã được phát hiện. Với đặc điểm địa hình trũng thấp nên xã có nhiều thuận lợi để giữ nước mặt ruộng, giúp việc phòng, trừ sâu bệnh được tốt hơn. Xã đang tích cực tuyên truyền, đôn đốc nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo đảm năng suất và chất lượng lúa mùa.

Không riêng HTXNN xã Minh Lãng, những ngày này, nông dân xã Tự Tân cũng đang tích cực phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa cuối vụ. Bà Bùi Thị Nhiêu, thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân cho biết: Theo chỉ đạo của HTX, gia đình tôi vừa hoàn thành xong việc phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục phun trừ sâu đục thân và rầy, bảo đảm năng suất cho hơn 1 mẫu lúa mùa của gia đình.

Theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên đồng ruộng đã và đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại như: bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại. Ngay từ đầu vụ mùa, thời tiết có mưa lớn kéo dài, lượng đạm tự do được bổ sung liên tục, một số diện tích lúa cấy giống nhiễm bị bệnh đạo ôn lá gây lùn lụi. Với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, thời tiết vẫn liên tục có mưa, nhiệt độ xuống thấp nguy cơ bệnh đạo ôn gây hại trên toàn bộ giống nhiễm là rất lớn nếu không được phun phòng. Sâu đục thân hai chấm lứa 5 vũ hóa rộ từ cuối tháng 8 đến ngày 20/9, gây hại cho diện tích trỗ từ ngày 5/9 trở đi, mật độ bình quân 0,07 - 0,1 con/m2, nơi cao 1 - 2 con/m2, cá biệt 3 - 4 con/m2. Từ ngày 3 - 7/9 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 ra rộ, mật độ 0,5 - 1 con/m2, nơi cao 2 - 3 con/m2. Hiện tại, rầy lứa 6 đã và đang nở rộ. Mật độ trung bình 100 - 200 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ 3.000 - 4.000 con/m2. Rầy trưởng thành mang trứng cục bộ 50 - 70 con/m2; trứng rầy cục bộ 300 - 400 ổ/m2, tiếp tục nở làm gia tăng mật độ trong những ngày tới. Nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ gây cháy lúa từ sau ngày 20/9 trở đi. Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn vẫn tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm từ nay đến đầu tháng 10 khi thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, trên đồng ruộng còn có bệnh khô vằn, đen lép hạt, chuột... đang gia tăng gây hại.

Nông dân xã Minh Quang tích cực thăm đồng, chăm sóc, bảo vệ lúa mùa cuối vụ.

Để phun phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, các ngành chuyên môn huyện khuyến cáo nông dân phun thuốc phù hợp đối với từng đối tượng sâu bệnh. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: tất cả các địa phương đã và đang có diện tích lúa trỗ bông đặc biệt là các giống BC15, TBR225, Khang dân, QR1 nhất thiết phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần. Do mật độ sâu đục thân hai chấm rất cao nên khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp thủ công ngắt ổ trứng trước khi phun thuốc. Kết hợp phun trừ sâu đục thân với sâu cuốn lá nhỏ cho diện tích lúa trỗ sau ngày 20/9. Tích cực kiểm tra khoanh vùng phòng, trừ các ổ rầy nơi có mật độ 20 - 30 con/gốc lúa trở lên. Hướng dẫn nông dân tuyệt đối tuân thủ thực hiện phun thuốc theo phương châm “4 đúng”, đặc biệt, không được pha trộn quá 3 loại thuốc trong 1 bình. Giai đoạn lúa trỗ bông, nông dân phun thuốc từ 3 giờ chiều trở đi. Lưu ý giữ nước mặt ruộng để thuốc phát huy tác dụng đồng thời giúp cho lúa mùa trỗ bông thuận lợi. Các địa phương có diện tích lúa hiện tại đã và đang trỗ căn cứ vào mật độ sâu bệnh trên đồng ruộng phun theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật phụ trách xã. Ngoài ra, nông dân thường xuyên sử dụng các biện pháp thủ công kết hợp dùng bả sinh học để đánh bắt chuột, phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi.

 Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày