Thứ 2, 25/11/2024, 17:34[GMT+7]

Chuyển dịch để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ 2, 17/09/2018 | 08:24:03
770 lượt xem
Biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét hơn với những hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, bão, lũ, mưa lớn… tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất trồng trọt nói riêng. Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua, sản xuất trồng trọt của tỉnh đã có nhiều bước chuyển dịch để thích ứng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

Cây màu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng các giống màu mới ngắn ngày có năng suất cao.

Lúa mùa năm 2018 đang bước vào giai đoạn trỗ bông. Tuy nhiên, nhìn lại từ đầu vụ đến nay, sản xuất đã chịu tác động không nhỏ của thời tiết. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ trên 400C đúng vào thời gian nông dân tập trung gieo cấy lúa mùa đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nhiều địa phương đã phải cấy đêm để kịp thời vụ, giúp cây lúa mau phục hồi, không bị táp lá do nắng nóng. Cuối tháng 7, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày khiến hàng nghìn héc-ta lúa, đặc biệt là lúa gieo thẳng bị úng, chết phải gieo cấy lại. Thời vụ gieo cấy chậm từ 10 - 15 ngày so với kế hoạch.

Còn vụ mùa năm 2017, đợt mưa lớn nửa đầu tháng 10 đã làm ngập úng hàng nghìn héc-ta lúa đang bước vào thời kỳ thu hoạch của các địa phương. Cùng với đó, toàn bộ diện tích cây vụ đông đã trồng bị hư hỏng, phải gieo trồng lại, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Câu ca dao “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” vẫn còn đúng với sản xuất trồng trọt khi còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Theo dự báo của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông nghiệp Thái Bình thời gian tới sẽ tiếp tục chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó nổi bật là biến động về nhiệt độ, lượng mưa, chỉ số khô hạn, nước biển dâng và sự xâm nhập mặn tăng lên.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Cơ cấu mùa vụ trong sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tiên tiến, hiệu quả và phát triển bền vững nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công thức xuân muộn - mùa sớm cho thấy năng suất, hiệu quả kinh tế cao khi sinh trưởng, phát triển của cây lúa “né” được các giai đoạn bất thường của thời tiết, các lứa sâu bệnh, tạo thuận lợi để phát triển vụ đông. Nhiều công thức luân canh cây trồng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều địa phương áp dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.

Đối với cơ cấu giống lúa, thời gian qua đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng các giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, giảm tỷ lệ sử dụng các giống lúa dài ngày; đưa các giống có phẩm chất tốt: chống úng, chống đổ, ít bị nhiễm các đối tượng dịch hại vào thay thế bộ giống cũ. Cây màu cũng được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng các giống màu mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường vào sản xuất.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là giải pháp được ngành Nông nghiệp khuyến khích, bằng nhiều mô hình: sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh thay thế phân hóa học, quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học… Một số mô hình nhà lưới, nhà kính áp dụng công nghệ cao tuy còn nhỏ lẻ, tự phát song cũng cho thấy sự thay đổi trong tư duy, tập quán canh tác của người dân.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày