Tiền Hải : Phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Vùng nuôi tôm của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu (MTV XNK) Thái Bình (xã Nam Thịnh) là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai thành công, từng bước mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Vũ Văn Hải, đại diện Công ty TNHH MTV XNK Thái Bình cho biết: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xây dựng đầu tiên trong huyện Tiền Hải với diện tích hơn 100ha, số vốn đầu tư ban đầu trên 50 tỷ đồng. Mô hình được xây dựng quy mô khép kín, quy trình vận hành khá nghiêm ngặt. Nuôi tôm công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường nên thu hoạch gần như là tôm sạch. Việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất đạt trên 30 tấn/ha tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Với mô hình nuôi tôm, Công ty chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại được xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý nước… Hiện nay, diện tích nuôi thả tôm của Công ty đã đạt 50ha.
Ông Hải cho biết thêm, với cách nuôi truyền thống trong ao đất, thường thả 70 con giống/m2 thì với tôm công nghệ cao thả đến 300 con/m2. Đặc biệt vùng nuôi tôm đều xây dựng ao ương dưỡng để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả sang ao nuôi. Diện tích ao nuôi đều có hệ thống bạt ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, giữ ổn định nhiệt độ ao nuôi vào mùa đông. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm khỏi mang mầm bệnh đốm trắng, bị hoại tử gan tụy khắc phục được tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động. Không chỉ có các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiền Hải mà nhiều hộ dân cũng đã phát triển nuôi tôm theo công nghệ cao.
Với diện tích 5.000m2 nuôi tôm công nghệ cao, vụ nuôi tôm năm 2017 anh Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Đức Cường, xã Nam Cường đã giành thắng lợi, trừ chi phí đạt lợi nhuận 280 triệu đồng.
Anh Nhàn chia sẻ: Hệ thống ao nuôi công nghệ cao phải tuân thủ quy trình có đầy đủ lưới, ao có lót bạt, có hố xi-phông… bảo đảm môi trường ao nuôi. Những năm trước đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, gặp thất bại nhiều hơn thành công vì rủi ro dịch bệnh.
Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh bạn, anh Nhàn đã quyết định thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản. Ngoài đầu tư diện tích nuôi thả tôm, anh Nhàn tích cực tham dự các lớp tập huấn về cách phòng, chống bệnh trong lĩnh vực thủy sản. Lựa chọn giống chất lượng ở cơ sở uy tín tại địa phương. Khi chuyển qua nuôi tôm công nghệ cao, anh Nhàn đã chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho con tôm. Đồng thời đầu tư thiết bị cho tôm ăn tự động, hút xả đáy theo giờ đã được cài đặt vận hành theo quy trình. Mỗi lứa tôm nuôi trung bình trên 80 ngày, cộng với thời gian xử lý ao thì một năm anh Nhàn nuôi được 3 vụ.
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đáp ứng điều kiện sống của tôm khi nuôi vụ đông, khi nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 - 8 độ C. Nhiệt độ dưới nước vào khoảng 27 - 32 độ C, bảo đảm thích nghi của tôm và mang lại lợi nhuận cao khi bán ra thị trường những ngày giáp tết Nguyên đán.
Nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Nhàn, thôn Đức Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải).
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Tiền Hải đạt khoảng 250ha, trong đó có khoảng 60ha nuôi tôm công nghệ cao. Dịch bệnh trên tôm luôn là điều ám ảnh người nuôi tôm trong nhiều năm gần đây. Việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đã cơ bản giải quyết vấn đề này. Trong đó, giúp kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của môi trường xung quanh… Để tăng năng suất, sản lượng, tăng số vụ tôm nuôi, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn Tiền Hải đã áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao như dùng máy cho ăn tự động, hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đã bảo đảm môi trường...
Thời gian tới, Tiền Hải chú trọng đến việc quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính vào đầu tư. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trên địa bàn.
Mạnh Thắng
Tin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng