Chủ nhật, 11/08/2024, 22:23[GMT+7]

Cơ chế hỗ trợ giống khoai tây ở Đông Hưng Động lực để nông dân mở rộng diện tích

Thứ 5, 10/11/2011 | 15:48:57
2,329 lượt xem
Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh 7.000 đồng/kg, với định mức hỗ trợ là 40kg giống khoai tây/sào, UBND huyện Đông Hưng đã hỗ trợ thêm cho các hộ 2.000 đồng/kg thuộc hai loại là giống khoai tây Hà Lan và Đức loại mắt củ nông, ruột vàng phù hợp cho chế biến hàng hóa và tiêu dùng tại chỗ.

Nông dân xã Phú Châu (Đông Hưng) trồng cây khoai tây vụ đông. Ảnh: Ngọc Trâm

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2011 huyện Đông Hưng phấn đấu gieo trồng 4.500ha, trong đó đậu tương chiếm 1.200ha, khoai tây 550ha, ngô 300ha và các loại rau khác chiếm 2.450ha. Tuy nhiên, do vụ lúa xuân kết thúc muộn hơn so với mọi năm 15-20 ngày nên ảnh hưởng trực tiếp tới cây trồng vụ đông ưa ấm. Để khắc phục tình trạng trên, Đông Hưng đã tuyên truyền nhân dân chuyển sang gieo trồng cây ưa lạnh, nhất là cây khoai tây đồng thời hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân nhằm thúc đẩy mở rộng thêm diện tích.

 

Theo anh Nguyễn Hùng Long - Phó trưởng phòng Nông nghiệp PTNT huyện cho biết: hàng năm cây vụ đông ưa ấm của huyện thường đạt khoảng 3.000ha, chiếm tới 70-80% diện tích cây trồng vụ đông. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên vụ đông năm 2011 huyện đã chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân trồng cây ưa lạnh, nhất là cây khoai tây. Do chi phí giống khoai tây cao, nên Đông Hưng đã hỗ trợ một phần giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh 7.000 đồng/kg, với định mức hỗ trợ là 40kg giống khoai tây/sào, UBND huyện Đông Hưng đã hỗ trợ thêm cho các hộ 2.000 đồng/kg thuộc hai loại là giống khoai tây Hà Lan và Đức loại mắt củ nông, ruột vàng phù hợp cho chế biến hàng hóa và tiêu dùng tại chỗ.

 

UBND huyện Đông Hưng yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện tới toàn thể nhân dân. HTXDVNN các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ dân đăng ký mua giống và ký hợp đồng với Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình mua đúng chủng loại. Đến ngày 2/11, các xã, thị trấn đã nhập về trên 100 tấn giống khoai tây, đủ để trồng khoảng 90ha, tập trung ở những xã có truyền thống trồng khoai tây như Trọng Quan, Phong Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng, Chương Dương.

 

So với các nơi khác, tỷ lệ gieo trồng khoai tây của Đông Hưng vẫn đạt thấp, tuy nhiên đây cũng là con số cao nhất của huyện trong mấy năm trở lại đây. Hàng năm, số dự trữ giống khoai tây trong dân đủ để gieo trồng khoảng 400ha. Nhưng có cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, diện tích cây khoai tây năm nay đã tăng lên. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để khuyến khích người dân hăng hái gieo trồng, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, lấy năng suất, giá trị để bù cho diện tích.

 

Về xã Hồng Giang, chúng tôi được biết vụ đông hàng năm, cây đậu tương vẫn là chủ lực của địa phương. Tuy nhiên tới vụ đông năm 2011, do không kịp thời vụ gieo trồng loại cây ưa ấm nên xã tập trung vào trồng cây khoai tây. Ngoài số khoai tây dự trữ trong kho lạnh đủ để trồng cho khoảng 30ha, đã có trên 100 hộ đăng ký với HTX mua thêm giống theo cơ chế hỗ trợ của cấp trên, đưa tổng diện tích cây khoai tây của xã lên trên 40ha. Mặc dù diện tích khoai tây không đạt cao bằng cây ưa ấm hàng năm nhưng đây cũng là số cao nhất trong mấy năm trở lại đây của xã và cũng là giải pháp lấy giá trị, hiệu quả để bù cho diện tích.

 

Đồng Phú cũng là xã có truyền thống gieo trồng cây ưa ấm, nhất là cây đậu tương. Theo kế hoạch, xã phấn đấu gieo trồng 105ha cây đậu tương, chiếm 60% diện tích cây vụ đông của xã. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết, xã tuyên truyền nhân dân chuyển sang trồng cây ưa lạnh, trong đó chủ lực là cây khoai tây. Ngay sau khi có cơ chễ hỗ trợ của cấp trên, xã đã chủ động thông báo cho nhân dân qua hệ thống phát thanh, các buổi hội họp và thông qua các ban, ngành, đoàn thể. Từ cơ chế hỗ trợ, nhân dân trong xã đã hăng hái đăng ký trồng thêm nhiều diện tích. Vì thế, ngoài 12 tấn khoai giống sẵn có của dân, đã có thêm 300 hộ đăng ký 9 tấn để trồng.

 

Đặc biệt, ngoài số khoai tây do tỉnh, huyện hỗ trợ, HTXDVNN đã đầu tư giống, kỹ thuật cho bà con trồng khảo nghiệm 2 mẫu khoai tây theo phương pháp mới làm đất tối thiểu. Dự tính nếu phương pháp này cho năng suất, hiệu quả cao, những năm tới HTX sẽ nhân rộng mô hình để giảm bớt thời gian và công lao động khi trồng cây khoai tây. Bác Phạm Văn Bẩy, thôn Đồng Cống cho biết: năm nào nhà bác cũng trồng 6-7 sào vụ đông, cho thu nhập trên 10 triệu đồng, trong đó riêng cây đậu tương thường trồng từ 2 - 3 sào, nhưng tới năm nay không kịp trồng đậu tương nên bác chuyển sang trồng 2 sào khoai tây thử nghiệm do HTX đầu tư giống. Theo bác mô hình này trồng rất đơn giản, không mất nhiều thời gian làm đất như trước, nếu năng suất đạt cao như mọi năm, bác sẽ trồng cây khoai tây nhiều hơn. Ngoài ra, Đồng Phú còn định hướng cho nông dân trồng các lọai rau màu ưa lạnh vào đầu vụ như su hào, bắp cải, súp lơ với khoảng 30ha để có thu nhập cao.

 

Ngoài những xã có diện tích gieo trồng cây vụ đông cao, đối với những xã có diện tích gieo trồng ít, số lượng cây ưa ấm thấp thì cây khoai tây năm nay cũng được nhân dân chọn đưa vào trồng. Xã Đông Vinh dự kiến gieo trồng 95ha cây vụ đông, trong đó chủ lực là rau các loại, cây khoai tây chỉ chiếm 25 ha. Do xã đang trong giai đoạn thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp nên đã tác động lớn tới tư tưởng của nông dân khiến xã không đạt được kế hoạch. Tuy nhiên, với cơ chế hỗ trợ giống khoai tây của các cấp, nhân dân trong xã đã đăng ký mua thêm 6 tấn, đưa tổng số giống khoai tây của toàn xã lên 15 tấn đủ để trồng cho khoảng 14 ha. Mặc dù diện tích khoai tây không nổi trội hơn mọi năm nhưng với cơ chế hỗ trợ trên, Đông Vinh cũng đã tăng thêm một phần diện tích cây vụ đông.

 

Hiện nay nông dân trong huyện đang làm đất và xuống giống cây khoai tây phấn đấu trồng đạt 700ha trở lên.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày