Thứ 2, 25/11/2024, 17:17[GMT+7]

Cấp “thẻ căn cước” cho nông sản

Thứ 2, 01/10/2018 | 08:40:42
1,266 lượt xem
Tem truy xuất nguồn gốc được xem như thẻ căn cước của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản đang được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, đây còn là việc làm mới, lạ với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản.

Xu thế tất yếu

Ông Nguyễn Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: Tem truy xuất nguồn gốc là loại tem áp dụng công nghệ mã số mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét barcode, QR code trên các thiết bị di động thông minh như smartphone để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, truy xuất chi tiết các thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất niêm yết. Đối với nông sản, bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc QR code, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có thể cung cấp đến người tiêu dùng những thông tin chi tiết hơn về sản phẩm mà bao bì không thể hiện đủ như: nơi sản xuất, đóng gói, dư lượng thuốc trừ sâu, sản xuất theo quy trình, công nghệ nào, kể cả thời gian trồng, thu hoạch… Khi mua các nông sản có gắn tem QR code, sử dụng phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn trên điện thoại, người tiêu dùng có thể quét tem điện tử dán trên sản phẩm và biết được các thông tin về sản phẩm do doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cung cấp.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản.

Tem điện tử QR code được xem như thẻ căn cước của sản phẩm, mỗi sản phẩm mà đơn vị sản xuất cung cấp ra thị trường chỉ được cấp duy nhất 1 mã QR code. Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích. Đối với đơn vị sản xuất, tem truy xuất giúp bảo hộ sản phẩm, bước đầu tạo sự tin tưởng cho khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết; chống hàng giả, hàng nhái; kiểm soát lượng hàng hóa bởi mỗi sản phẩm được bán ra thì tem gắn trên sản phẩm đó sẽ bị vô hiệu hóa. Đối với người tiêu dùng được tiếp cận với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Tem truy xuất cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc là việc làm bắt buộc và là xu hướng tất yếu để sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Người tiêu dùng thờ ơ, đơn vị sản xuất dè dặt

HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân (Kiến Xương) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với nông sản do HTX sản xuất. Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân cho biết: Để hàng hóa đủ điều kiện dán nhãn mác, chúng tôi quản lý từ ngày đầu tiên, làm đất rồi phân bón, hoàn toàn theo quy trình VietGAP. Mỗi bao bì, nhãn mác của HTX đều được gắn QR code bảo đảm chống hàng giả, qua đó tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, chỗ đứng cho nông sản trên thị trường.

Với nhiều lợi ích là thế, tuy nhiên việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong tỉnh. Không chỉ lo phát sinh thêm chi phí, việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa được quan tâm thực hiện, quan trọng hơn, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm, truyền thống, chưa thực sự chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu thị trường. Diện tích sản xuất cây hàng năm lớn tuy nhiên sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ vẫn chưa phát triển vì vậy không thể minh bạch hóa thông tin nông sản.

Trung tâm Kinh doanh VNPT Thái Bình là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp tem QR code trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trung Đức, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Tem điện tử VNPT check là một dịch vụ mới của Trung tâm được triển khai hướng tới các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm để tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tuy nhiên qua theo dõi, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị còn rất e dè. Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm mà mình mua.

Không khó để tìm những nông sản được gắn tem truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Đơn vị sản xuất thì e dè nhưng những người trực tiếp hưởng lợi từ việc dán tem truy xuất cũng rất thờ ơ. Không khó để bắt gặp những mặt hàng nông sản như các loại củ, quả, thực phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc tại siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thì việc người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản hầu như ít được thực hiện vì lý do rườm rà (phải có điện thoại smartphone kết nối internet được cài đặt một số phần mềm có chức năng truy xuất), lựa chọn sản phẩm theo thói quen truyền thống là kiểm tra bằng mắt, kinh nghiệm cũng như tin tưởng vào siêu thị, vào thương hiệu mà mình lựa chọn. 

Một chủ cửa hàng thực phẩm sạch tại đường Lê Quý Đôn (thành phố Thái Bình) cho biết: Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch của người dân ngày một tăng cao. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi để được sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc thay vì các sản phẩm cùng loại trôi nổi để bảo đảm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng sạch mới chỉ là “nửa vời” khi những nông sản được gắn tem truy xuất nguồn gốc nhưng không mấy ai quan tâm đến truy xuất thông tin sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc nông sản là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, là điều kiện thúc đẩy nền sản xuất hiện đại, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày