Thứ 6, 10/01/2025, 22:16[GMT+7]

Lãi tiền tỷ nhờ làm “nhà” nuôi tôm

Thứ 2, 29/10/2018 | 08:23:43
2,874 lượt xem
Nhờ áp dụng công nghệ cao nên tỷ lệ nuôi tôm thành công hơn và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước. Đó là mô hình nuôi tôm của anh Vũ Văn Của, thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Anh Của (áo xanh đen) giới thiệu về mô hình nuôi tôm công nghiệp của gia đình.

Anh Của sinh năm 1983, hiện nay là Phó Bí thư Chi đoàn thôn Bạch Đằng. Anh là gương mặt tiêu biểu duy nhất đại diện cho tuổi trẻ nông thôn Thái Bình cùng 50 gương mặt trẻ nông thôn toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2018. 

Nhắc đến Vũ Văn Của, người dân trong vùng vẫn tấm tắc khen anh trẻ mà có gan làm giàu. Đến thực tế mô hình kinh tế của anh mới thấy lời bà con nói là đúng. Biết “lấy ngắn, nuôi dài”, vừa chăn nuôi, vừa rút kinh nghiệm từ 2ha đầm nhận khoán của địa phương từ năm 2011 đến nay, Của đã có trong tay trang trại nuôi tôm công nghiệp rộng 3,5ha. Việc nuôi tôm theo hướng công nghiệp mỗi năm đem về cho anh trên 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10 lao động làm việc thời vụ với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi lần đi thăm các ao tôm trở về, anh Của ghi rõ những thông số về nhiệt độ, mực nước, màu nước và những thay đổi của con tôm vào một cuốn sổ. Theo anh, việc ghi những thông số ở mỗi ao nuôi giúp anh nắm được những thay đổi bất thường của tôm cũng như môi trường nước để có biện pháp xử lý khi tôm bị bệnh.

Sinh ra ở miền biển nên từ nhỏ mùi mặn mòi của biển đã ngấm vào máu Của. Tốt nghiệp THPT, anh không theo con đường lên đại học, cao đẳng hay lựa chọn theo học một nghề như chúng bạn cùng trang lứa. Anh chọn con đường khởi nghiệp nơi quê nhà, chọn con tôm để “nuôi” hoài bão làm giàu. 

Anh Của tâm sự: Tiềm năng và lợi thế của Thái Thượng là biển. Không chỉ vươn khơi, bám biển mà còn tận dụng được vùng đầm, bãi ngoài đê để nuôi trồng thủy sản. Con ngao, con tôm, con cá đã nuôi sống biết bao đời người dân Thái Thượng. Tuy nhiên, việc nuôi tôm, nuôi cá vẫn theo hình thức quảng canh, chịu ảnh hưởng nhiều của thiên nhiên. Mỗi năm chỉ được 1 - 2 vụ mà năng suất thấp. Năm nào bão về, dịch bệnh bùng phát thì coi như mất trắng. Từ ý nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn đưa công nghệ áp dụng vào nuôi tôm.

Năm 2011, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm, kiến thức thực tế từ các mô hình nuôi trồng thủy hải sản từ khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, Của bắt đầu khởi nghiệp từ 20 vạn tôm sú với số vốn bỏ ra gần 250 triệu đồng (trong đó, 200 triệu đồng vay ngân hàng). Cùng với tôm, anh xen canh 1.000 con cua xanh và rau câu. Sau 4 tháng, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng từ tôm, cua và rau câu. Từ số lãi có được, anh mạnh dạn tái đầu tư, mở rộng số lượng tôm và cua giống. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm anh thu về 160 triệu đồng tiền lãi từ mô hình trên.

Qua tìm hiểu trên internet, anh Của nhận thấy việc nuôi tôm xen cua và rau câu dù có lãi nhưng với diện tích như vậy nếu đầu tư theo công nghệ mới sẽ cho lãi gấp nhiều lần cách nuôi truyền thống. Thực tế, rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở một số tỉnh, thành phố đã thành công. Nghĩ là làm, anh đã đưa ra quyết định táo bạo là đầu tư làm “nhà” cho tôm thẻ chân trắng. 

Anh Của cho biết: Từ số vốn tích lũy cùng với vay thêm vốn, năm 2015, tôi bắt đầu đầu tư cải tạo các đầm theo hướng trải bạt lót nền đáy ao và dựng khung nhà bạt ở các đầm nuôi. Với cách làm này, mình chủ động giữ được nhiệt độ ở các ao nuôi cũng như hạn chế tối đa tác động của môi trường bên ngoài đối với tôm. Có lưng vốn, năm 2017, tôi xin với địa phương cho thầu thêm 1,5ha để mở rộng diện tích chuyên canh tôm. Đất khó chẳng phụ công người, tôi đã được đền đáp xứng đáng.

Hiện nay, gia đình anh Của có trong tay khối tài sản hàng chục tỷ đồng, với 7 ao nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và 4 ao nuôi tôm giống và dự trữ, điều hòa nguồn nước. 

Theo anh Của, con tôm thường hay bị mắc bệnh đường ruột, đốm trắng, đầu vàng... Nếu không phát hiện sớm để có hướng phòng và điều trị, ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng thì thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi ao đầm, độ tăng trưởng của tôm nuôi, quan trọng nhất là khâu xử lý nước, xuống giống tôm phải đúng thời vụ và đặc biệt bảo đảm an toàn về môi trường. Ngoài ra cần nắm được nhu cầu của thị trường...

Theo chia sẻ của anh Của, mỗi năm gia đình anh thu được 56 tấn tôm thương phẩm. Với giá bán trung bình là 190.000 đồng/kg thì doanh thu bình quân từ mô hình là 10,6 tỷ đồng/năm, trong đó, lãi trên 4,5 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng khẳng định: Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế rất cao, trong số đó có anh Vũ Văn Của. Anh Của không chỉ tham gia phát triển kinh tế gia đình, là những người tiên phong đưa công nghệ vào nuôi tôm, anh còn tích cực tham gia công tác đoàn, hội ở địa phương. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang là hướng đi mới, giúp nhiều hộ dân Thái Thượng có cuộc sống sung túc cũng là cơ sở để địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển để phát triển kinh tế - xã hội.

Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày