Thứ 2, 25/11/2024, 22:54[GMT+7]

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế VAC bền vững

Thứ 5, 15/11/2018 | 08:27:54
2,440 lượt xem
Nhiệm kỳ 2013 - 2018, hội làm vườn các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC bền vững, góp phần quan trọng phát triển toàn diện nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Mô hình phát triển kinh tế của hội viên Hội Làm vườn huyện Vũ Thư.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ chức hội với tổng số 36.729 hội viên. Các hội viên tích cực tham gia sinh hoạt hội, hưởng ứng các phong trào thi đua do hội phát động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội, ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức hội. 

5 năm qua, Hội Làm vườn tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế VAC phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương. Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội đã in, phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu về quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi lợn, gà an toàn nhằm giúp hội viên và nông dân có kiến thức mới, có tư duy mới trong quy hoạch, cải tạo vườn, ao, chuồng của gia đình, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

5 năm qua, các cấp hội làm vườn trong tỉnh đã tổ chức 1.615 lớp tập huấn cho trên 105.000 lượt hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đầu bờ, tham quan thực tế bàn về định hướng một số giống cây trồng trong vườn, giống vật nuôi trong nông hộ... Cùng với đó, các cấp hội làm vườn trong tỉnh đã thực hiện một số dự án, chương trình khuyến nông của trung ương, của tỉnh. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng trong toàn tỉnh.

Nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội, sự nỗ lực vươn lên của hội viên, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Các cấp hội trong tỉnh và hội viên đã thực hiện nhiều chương trình cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng cũ thành hệ thống VAC theo mô hình thâm canh, chuyên canh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, giá trị thu nhập lớn cùng với việc áp dụng công nghệ sản xuất mới vào canh tác, làm thay đổi thói quen, tập quán của nông dân. 

Thái Bình được đánh giá là một trong những địa phương có chăn nuôi phát triển ổn định. Trình độ của người chăn nuôi không ngừng được nâng lên, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về chăn nuôi được tiếp thu, áp dụng rộng rãi vào sản xuất, góp phần giảm quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. 

Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.014 trang trại đạt tiêu chí quy định, tăng 364 trang trại so với năm 2013. Trong số các trang trại chăn nuôi, có 74 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, sản phẩm chăn nuôi an toàn, bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, toàn tỉnh có trên 20.000 hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại.

Về phát triển kinh tế vườn, toàn tỉnh hiện có trên 7.000ha vườn. Diện tích vườn đã được các hộ cải tạo thường xuyên, đưa vào sản xuất các loại cây ăn quả, hoa màu trồng mới thích hợp, có năng suất và chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, phong trào phát triển kinh tế vườn những năm qua khá sôi động và rộng khắp. Các loại cây trồng rất phong phú, đa dạng, khai thác được tiềm năng đất đai, lao động và mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, bước đầu tạo nên những điểm du lịch sinh thái ở nông thôn.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngoài đầu tư thâm canh tại các vùng quy hoạch tập trung của tỉnh với diện tích 14.874ha, toàn tỉnh còn có trên 5.400ha ao, hồ truyền thống nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Trong những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản đã được hội viên và nông dân tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo; thay đổi tư duy nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh, công nghiệp, công nghệ cao. Các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là các hộ sản xuất trên vùng tập trung đều nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn để ứng dụng vào sản xuất.

Cán bộ Hội Làm vườn tỉnh tham quan mô hình trồng măng tây của hội viên Hội Làm vườn huyện Quỳnh Phụ.

Trong những năm qua, kinh tế nông thôn Thái Bình đã phát triển ổn định, thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện, ngày càng được nâng lên. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh ước đạt 19.310 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã có gần 14.500ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, có 200/264 xã và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả trên đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức hội làm vườn trong phát triển kinh tế VAC và kinh tế ở nông thôn của tỉnh, đóng góp tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2018

Nhiệm kỳ qua, Hội Làm vườn tỉnh đã khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để hoạt động của các cấp hội đạt hiệu quả, Tỉnh hội đã xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC làm trọng tâm, làm động lực để phát triển tổ chức hội các cấp. Cùng với đó, phát huy tính đoàn kết, chủ động, sáng tạo của hội viên cũng như các cấp hội, lấy chi hội làm đơn vị hoạt động, giúp đỡ hội viên về kiến thức kỹ thuật, giống, vốn, kinh nghiệm làm vườn, chăn nuôi để phát triển kinh tế VAC có hiệu quả, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu; phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 400 - 500 hội viên để cuối nhiệm kỳ 2018 - 2023 nâng tổng số hội viên Hội Làm vườn tỉnh lên 400.000 hội viên...

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Tôi đánh giá rất cao hoạt động của Hội Làm vườn huyện Tiền Hải trong những năm qua. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình VAC ở địa phương phát triển, trở thành những trung tâm vệ tinh và hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, con giống và tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở hội đã chủ động quan hệ, làm cầu nối giữa công ty, doanh nghiệp sản xuất giống uy tín với người dân. Ngoài ra, các cơ sở hội còn phối hợp với hội nông dân các cấp tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Hoàng Văn Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Hưng Hà

Chúng tôi luôn đồng hành cùng hội viên, nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm thực hiện chuỗi sản phẩm an toàn trước khi đưa ra thị trường. Hội Làm vườn huyện Hưng Hà cũng tự hào khi một số sản phẩm nông sản sạch của hội viên đã được các thị trường khó tính như siêu thị chấp nhận đưa sản phẩm vào tiêu thụ. Đây cũng là tiền đề để Hội Làm vườn huyện Hưng Hà tiếp tục đồng hành cùng hội viên phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Tất Đạt



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày