Thứ 7, 02/11/2024, 16:22[GMT+7]

Không chủ quan với bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 06/12/2018 | 14:26:28
972 lượt xem
Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Các hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng) thực hiện nghiêm quy định về kiểm dịch và xuất xứ nguồn gốc.

Toàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp chăn nuôi, 659 trang trại và 6.690 gia trại chăn nuôi lợn; tổng đàn gần 1 triệu con. Ngay sau khi Chính phủ có công văn chỉ đạo, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng và các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đàn lợn nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường tết.

 Theo đó, người chăn nuôi được cung cấp một số kiến thức cơ bản về đặc điểm chung, đặc điểm vi rút dịch tả lợn châu Phi, quá trình gây bệnh và lây lan vi rút; triệu chứng, bệnh tích, cách chẩn đoán bệnh và biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào đàn vật nuôi. Bà con cũng hiểu rõ mối nguy hiểm của bệnh này, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng, chống bệnh.

Ông Đỗ Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho biết: Những năm gần đây, nghề chăn nuôi của địa phương phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhằm giúp bà con phát triển chăn nuôi bền vững, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể rất chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong vụ thu đông năm nay, địa phương đã tổ chức tiêm các loại vắc-xin theo quy định cho hơn 92% đàn lợn; sử dụng 59kg hóa chất bencocip để phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh với tổng diện tích 118.000m2.

Không riêng xã Vũ Đoài, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông và thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn. Đồng thời, các xã, thị trấn hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh. Công tác giám sát dịch bệnh, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi được đặc biệt chú trọng. Ngoài các hộ chăn nuôi, lực lượng cán bộ thú y cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình đàn lợn; trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân thì tiến hành lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức giám sát, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Một trong những giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh đó là công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chợ đầu mối, các trung tâm, cơ sở giết mổ gia súc và chống hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh được siết chặt. 

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Bình, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh cho biết: Từ đầu tháng 10, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh đã triển khai kế hoạch kiểm tra các địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn. Lực lượng quản lý thị trường cùng với đoàn công tác về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh đã kiểm tra 7 huyện và thành phố, các đầu mối giao thông, điểm thu gom tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác của tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh. Đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, phạt tiền 12 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa.


Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc tích cực, song thực tế hiện nay, một số địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi còn chậm, chưa đồng bộ, chủ quan. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia súc được tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ thu đông ở một số xã chưa cao dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh và xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.


Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày