Thứ 7, 11/01/2025, 04:57[GMT+7]

Huy động cả cộng đồng diệt chuột bảo vệ sản xuất

Thứ 2, 17/12/2018 | 08:45:01
1,489 lượt xem
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, bão, lũ, dịch bệnh... Ngoài ra, nạn chuột cắn phá, nhất là trên cây lúa cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân sau mỗi vụ sản xuất.

Nông dân huyện Đông Hưng sử dụng nilon quây ruộng để ngăn chuột phá hoại lúa.

Ông Hoàng Văn Hòe, thôn Phúc Hạ, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) cho biết: Vụ mùa năm 2018, gia đình tôi thiệt hại 5ha lúa, gần như mất trắng hoàn toàn vì chuột cắn phá. Vụ đông trồng bí xanh, ngô cũng bị chuột phá dù sử dụng thuốc hóa học, bắt thủ công hàng ngày. Thuê lại của người dân trong vùng hơn 20ha ruộng để sản xuất, ban đầu tôi canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu nhưng qua vài vụ sản xuất, chuột cắn phá nhiều quá, vụ mùa gần như không có lãi. Dự định năm 2019, tôi chỉ làm 1 vụ lúa (vụ xuân) và 1 vụ màu (vụ đông), còn vụ mùa không canh tác để cải tạo đất. 

Theo ông Hòe, không riêng gia đình ông, vụ mùa vừa qua, ở các thôn Thiệu Phúc, Bắc Sơn, nhiều hộ không thu được hạt thóc nào vì chuột.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình chuột hại cây trồng diễn biến phức tạp; diện tích và mức độ gây hại có xu hướng gia tăng qua các năm. Chuột được coi là đối tượng dịch hại nguy hiểm với mức sinh sản nhanh theo cấp số nhân, khả năng gây mất mùa nghiêm trọng nếu không được tổ chức đánh bắt và diệt bằng các biện pháp đồng bộ ngay từ đầu vụ sản xuất. Chuột hại cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số nông dân bỏ ruộng hoang ngày càng tăng. Do vậy, công tác diệt chuột phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm với phương châm diệt chuột đồng loạt, thường xuyên, liên tục và mang tính cộng đồng. 

Nhận thức rõ tác hại của chuột gây ra, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đều bố trí ngân sách hỗ trợ cho công tác diệt chuột, đồng loạt 1 đợt trong năm ở thời kỳ đổ ải để bảo vệ sản xuất. Đây là thời điểm hết sức quan trọng và có hiệu quả cao nhất vì thời điểm này chuột từ vùng thấp di chuyển lên vùng cao đồng thời nguồn thức ăn cạn kiệt nên áp dụng biện pháp hóa học đặt mồi thuốc là có hiệu quả nhất trong năm. Ngoài ra, yếu tố cộng đồng cùng tham gia diệt chuột có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; mọi người, mọi nhà cũng thực hiện diệt chuột có như vậy áp lực mật độ chuột trên đồng mới giảm.

Để công tác diệt chuột trên đồng ruộng hiệu quả đòi hỏi phải áp dụng 4 phương châm: diệt chuột ngay từ đầu vụ, diệt thường xuyên, diệt bằng nhiều phương pháp và cộng đồng cùng tham gia. 

Nhờ quyết liệt và đồng bộ trong tổ chức diệt chuột, vụ xuân năm 2018, diện tích lúa xuân của huyện Quỳnh Phụ bị thiệt hại do chuột gây ra giảm 70% so với những vụ xuân trước; diện tích thiệt hại nhẹ từ 1 - 3% là 50ha, thiệt hại trung bình 7 - 10% là 5ha, không có diện tích thiệt hại nặng. Toàn huyện có trên 20 xã tổ chức tốt đợt phát động vệ sinh đồng ruộng và diệt chuột thủ công như Quỳnh Hội, An Mỹ, An Cầu... Nhiều biện pháp đánh bắt thủ công như đào bắt, hun khói... được người dân nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có 7 xã tổ chức thu mua đuôi chuột: Quỳnh Hội, An Cầu, Quỳnh Giao, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hồng, An Quý, An Ấp. Toàn huyện đánh bắt thủ công được khoảng 200.000 con chuột. 

Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, huyện Quỳnh Phụ cũng xây dựng kế hoạch vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, trong đó chỉ đạo các HTX nông nghiệp thành lập các tổ, đội hoặc phát động nông dân đánh bắt chuột rộng khắp, thường xuyên, liên tục, tập trung cao độ vào thời điểm đổ ải. Với biện pháp hóa học, phát động chiến dịch trong phạm vi toàn huyện từ 15/1 đến hết tháng 3/2019.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ nông dân tổ chức diệt chuột bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị cấp tỉnh, triển khai kế hoạch diệt chuột, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột có hiệu quả cao; tham mưu lựa chọn loại thuốc trừ chuột hiệu quả nhất, được phép sử dụng; ký hợp đồng mua thuốc cấp cho các xã đồng thời kiểm tra thực hiện chiến dịch. Vụ xuân năm 2018, số lượng thuốc đã cấp cho các địa phương là gần 9.000kg với kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Vụ xuân năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột. Hy vọng rằng các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt, thực hiện có hiệu quả chiến dịch diệt chuột để bảo vệ sản xuất.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày