Thứ 7, 02/11/2024, 18:27[GMT+7]

Thái Thụy xây dựng vùng sản xuất rau an toàn

Thứ 2, 31/12/2018 | 14:45:48
2,554 lượt xem
Nhờ tích cực khuyến khích, hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, dần hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tại một số địa phương trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Nông dân xã Thụy An (Thái Thụy) trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chúng tôi đến thăm cánh đồng thôn Lai Triều, xã Thụy Dương có mô hình 2ha cây dưa gang xuất khẩu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù trời đã gần trưa nhưng nhiều bà con nông dân địa phương, trong đó có ông Lã Văn Tứ vẫn đang chăm chỉ chăm sóc và thu hoạch dưa. Ông Tứ cho biết: Đầu năm 2018, tôi và 9 hộ dân khác trong thôn được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP. Để có được sản phẩm dưa bảo đảm an toàn thực phẩm, chúng tôi bắt buộc phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, từ việc lựa chọn cây giống, các loại phân bón, nguồn nước tưới, thời gian gieo trồng... Điều này đặt ra những yêu cầu, điều kiện khắt khe hơn với những hộ trồng dưa như tôi trong quá trình sản xuất. Nhưng bù lại sản phẩm dưa của chúng tôi trồng ra được công ty thu mua với giá ổn định hơn so với các hộ trồng theo truyền thống. Như vụ này, hơn 1 sào dưa của nhà tôi cho năng suất đạt từ 1 - 1,2 tấn cho thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng.

Theo ông Lã Quý Đại, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Dương: Hiện nay, HTX thực hiện triển khai mô hình sản xuất cây dưa gang xuất khẩu diện tích 2ha và cây khoai tây với diện tích 3ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đánh giá của chúng tôi, các hộ thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn, giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, năng suất đạt khá cao và được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì thế, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn từ 15 - 20% so với sản xuất theo truyền thống trước đây. Thời gian tới, HTX sẽ thực hiện mở rộng mô hình trồng khoai tây và dưa gang theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích từ 20 - 30ha để nâng cao giá trị sản xuất cho người dân.

Mô hình trồng dưa gang xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Lai Triều, xã Thụy Dương (Thái Thụy).

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những hướng phát triển của ngành Nông nghiệp. Trồng rau sạch sẽ giúp người dân cải thiện thêm thu nhập, giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với phương thức canh tác cũ. Với tổng diện tích cây màu hàng năm của Thái Thụy đạt từ 9.000 - 10.000ha, thì việc phát triển các mô hình sản xuất rau màu bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ mang lại giá trị lớn cho ngành Nông nghiệp của huyện. Xác định được điều đó, từ tháng 3/2018 đến nay, huyện Thái Thụy đã triển khai 5 mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 5 xã trong huyện với trên 10 loại cây trồng, diện tích 5ha/xã. Trong đó cùng với Thụy Dương còn có các xã: Thụy Hà trồng 2ha bí xanh, 2ha cải xanh, 0,5ha súp lơ, 0,5ha cà chua; Thụy An trồng 3ha hành, 2ha tỏi; Thái Hòa trồng 4ha cải bắp, 1ha khoai tây; Thái An trồng 2ha cà rốt, 3ha khoai tây.

Theo ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Việc triển khai các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP được ngành Nông nghiệp huyện thực hiện theo dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và trồng rau an toàn tại Thái Bình. Bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay việc triển khai các mô hình trồng rau an toàn tại các xã cũng gặp không ít khó khăn. Như một số hộ dân vẫn quen với việc sản xuất theo tập quán truyền thống, thói quen nên còn hạn chế trong việc ghi chép nhật ký sản xuất. Thời tiết vụ đông năm nay diễn biến có nhiều yếu tố phức tạp, những đợt mưa lớn đầu vụ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển của các cây trồng trong mô hình, đặc biệt là bí xanh, cà rốt. Để giúp người dân thực hiện có hiệu quả các mô hình trồng rau an toàn, ngành Nông nghiệp huyện cũng đang tích cực chỉ đạo các xã thực hiện dự án bảo đảm các tiêu chí thuận lợi về giao thông, thủy lợi, chất đất phù hợp với các loại cây trồng tại các vùng trồng. Hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện chương trình dự án theo dõi, ghi nhật ký sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm theo quy mô diện tích của mô hình. Cùng với đó là lập kế hoạch thời gian đánh giá, công nhận các loại cây trồng thực hiện trong vụ đông 2018 để được công nhận mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khi sản phẩm thu hoạch.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày