Thứ 7, 11/01/2025, 06:44[GMT+7]

Tiền Hải: Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Thứ 6, 11/01/2019 | 08:35:26
1,350 lượt xem
Hiện nay, thời tiết mưa, rét tăng cường, độ ẩm tăng cao rất thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, huyện Tiền Hải tích cực tuyên truyền đến nhân dân có biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm vào vật nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.

Các hộ chăn nuôi ở Tiền Hải chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Nam Trung là một trong những xã có hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định.  Trước diễn biến thời tiết bất thuận, địa phương rất chú trọng phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó tích cực khuyến cáo nhân dân triển khai các biện pháp bảo vệ như vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin, quây kín chuồng trại phòng, chống rét... Bà Trần Thị Mừng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Nam Trung có đàn lợn gần 4.000 con; trâu, bò, dê 265 con; chó, mèo 700 con; gia cầm 43.460 con. Xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh khuyến cáo nếu vật nuôi chưa được phòng bệnh theo đợt của huyện cần đăng ký tiêm bổ sung, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, áp dụng rộng rãi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng. Trước đó, các đợt tiêm phòng vắc-xin Nam Trung đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngành cấp trên xây dựng kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách thôn để kịp thời kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tiêm phòng, cũng như phòng, chống dịch bệnh động vật đạt kết quả tốt nhất. Kết quả tiêm phòng dịch tả 9.959 liều, tụ dấu trùng 2.347 liều, phó thương hàn 7.583, lở mồm long móng 3.254 liều, tụ huyết trùng trâu, bò 150 liều...

Đối với các hộ chăn nuôi trong huyện cũng đã ý thức được tự phòng bệnh cho đàn vật nuôi là quyết định sự ổn định, an toàn của hoạt động chăn nuôi của gia đình. Ông Trần Thế Lực, thôn An Cư, xã Đông Xuyên chia sẻ: Khi địa phương tuyên truyền về thời điểm tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông, tôi đã đăng ký với Ban Chăn nuôi và Thú y xã tiêm phòng cho đàn lợn khoảng 20 con. Ngoài ra tôi thường xuyên rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đàn vật nuôi khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh. Nhờ thực hiện tốt khâu phòng, chống dịch nên nhiều năm qua, chưa năm nào dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của gia đình.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Tiền Hải có đàn trâu, bò 5.919 con; đàn lợn 135.000 con; đàn gia cầm 1,33 triệu con. Hiện nay, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, lực lượng thú y viên đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra theo các quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng cho vật nuôi. Chủ động thức ăn có bổ sung khoáng, vitamin và chất điện giải tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Trong công tác tiêm phòng, năm 2018 Tiền Hải đã tiêm phòng 175.753 liều dịch tả lợn, tụ dấu trùng 29.631 liều, phó thương hàn 56.047, lở mồm long móng 89.329 liều...  Đặc biệt, hiện nay một số địa phương giáp ranh với tỉnh ta đã phát hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn nên các hộ dân không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng khuyến cáo các hộ dân phòng bệnh lở mồm long móng đầu tiên là bảo đảm môi trường chăn nuôi, vệ sinh, cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi đầy đủ. Biện pháp hữu hiệu giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh là tiêm phòng đúng và đủ vắc-xin được khuyến cáo cho vật nuôi khi thuộc diện tiêm phòng. Vận động các hộ chăn nuôi gia súc cam kết thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày