Đất trổ hoa trả công người vun xới
Về Quỳnh Phụ những ngày này dù là vào thời điểm sau thu hoạch lúa mùa, nhưng đến đâu chúng ta cũng bắt gặp những cánh đồng phủ màu xanh non trù phú. Suốt dọc tuyến đường dài gần chục kilômét từ thị trấn An Bài về thị trấn Quỳnh Côi gần như không còn một khoảnh đất trống, thay vào đó là những ruộng ớt khoe chùm quả sai trĩu, đỏ tươi; là những luống rau màu đủ loại và những ruộng ngô đang tung cờ, ôm bắp...khiến nhiều người nhầm tưởng mình đang ngao du giữa thành phố Đà Lạt mộng mơ. Trên khắp các xứ đồng vang tiếng nói cười rôm rả, những giọt mồ hôi không che lấp được nụ cười mãn nguyện. Sau bao khó khăn, vất vả, đất đã không phụ công người vun xới.
Cuối năm trời rét ngọt lại kèm theo mưa phùn nên càng làm tăng thêm cảm giác tê buốt. Rót ly trà nóng để xua đi cái lạnh, anh Nguyễn Văn Nhiễm- Trưởng phòng NN& PTNT huyện Quỳnh Phụ bắt đầu câu chuyện bằng một lời than: Chưa năm nào sản xuất vụ đông lại gặp nhiều khó khăn như năm nay và cũng hiếm có năm nào những cán bộ nông nghiệp như chúng tôi lại lo lắng nhiều như năm nay bởi liên tiếp phải đối mặt với hai thách thức lớn về chậm thời vụ gieo trồng cây ưa ấm và mưa bão làm ngả đổ và ngập úng hàng trăm héc-ta cây màu sớm. Bây giờ ngẫm lại mới thấy người dân mình tài thật, khó mấy họ cũng có cách để vượt qua. Ví như việc chậm thời vụ, họ đã chọn giải pháp huy động nhân lực gặt trước diện tích lúa mùa quy hoạch trồng cây ưa ấm; áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu để giảm bớt công và đảm bảo khung thời vụ; sử dụng cách thức đặt bầu cây non thay cho tra hạt trực tiếp; gặt lúa mùa tới đâu trồng cây màu ngay tới đó theo phương châm "cuối ruộng gặt lúa mùa, đầu ruộng đặt bầu cây vụ đông"…Với cách làm đó, Quỳnh Phụ đã gieo trồng hàng ngàn héc- ta cây ưa ấm bảo đảm cả diện tích và khung thời vụ theo kế hoạch. Thế nhưng cây chưa kịp lớn, bão lại ập về làm ngả đổ hàng trăm héc- ta ớt và rau màu, khiến non nửa diện tích đậu tương vừa gieo đã bị thối mầm do ngập úng.
Không ngồi nhìn thành quả lao động của mình bị cướp trắng, hàng ngàn nông dân Quỳnh Phụ lại cặm cụi ra đồng dựng buộc toàn bộ diện tích ớt, chăm sóc cây màu bị ngả đổ; gieo lại một phần diện tích đậu tương và tăng giống cây ưa lạnh để bù diện tích cho cây ưa ấm. Kết quả là toàn huyện đã gieo trồng khoảng 6.200ha cây vụ đông các loại, tăng gần 200ha so với vụ đông năm trước.
Trong điều kiện có nhiều khó khăn như năm nay thì đây thực sự là kết quả hơn cả niềm mong đợi. Không chỉ đạt mục tiêu về diện tích, cơ cấu cây trồng vụ đông của Quỳnh Phụ cũng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích nhóm cây cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là diện tích ngô tăng 400ha (đạt 2.300ha) và chủ yếu tăng diện tích trồng ngô ngọt làm hàng hoá; bí đỏ tăng 200ha (đạt 500ha); đặc biệt là khoai tây tăng tới 450ha (đạt 900ha)…Để khuyến khích nông dân tích cực sản xuất cây vụ đông, năm nay ngoài việc đưa ra các cơ chế hỗ trợ, huyện Quỳnh Phụ còn liên kết với các công ty chế biến nông sản bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đến thời điểm này, huyện đã hợp đồng bao tiêu 1.000 tấn ớt tươi quả to và toàn bộ diện tích bí đỏ, ngô ngọt và sa lát. Tính ra tổng diện tích được hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt khoảng 1.500ha.
Điều đáng mừng nhất là hiệu quả kinh tế mà vụ đông mang lại khá cao và ổn định. Chủ nhiệm HTX Quỳnh Nguyên Đoàn Văn Huân cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích cây vụ đông của toàn xã vẫn đạt 170ha, tăng 4ha so với năm trước. Trong đó riêng cây khoai tây chiếm 101ha, tăng 41ha so với vụ đông năm 2010 do có cơ chế hỗ trợ của tỉnh và thời vụ trồng cây ưa ấm bị chậm nên nhiều người chuyển hướng sang trồng cây ưa lạnh. Cây khoai tây đã có mặt trên đồng đất Quỳnh Nguyên từ hàng chục năm nay và luôn là cây chủ lực cả về diện tích và hiệu quả kinh tế.
Hiện tại toàn bộ diện tích khoai đã được thay thế bằng các giống mới của Đức, Hà Lan, Trung Quốc cho năng suất và chất lượng cao hơn giống khoai truyền thống. Trung bình mỗi héc- ta cho năng suất khoảng 140- 145 tạ, với giá bán giao động từ 6.000- 7.000đ/ 1kg, nếu trừ đi các khoản chi phí, tính ra người nông dân vẫn còn thực lãi 3-5 triệu đồng/ sào/ vụ, cao hơn so với hầu hết các cây rau màu khác. Có hộ dân đã thu cả chục triệu đồng tiền lãi mỗi vụ nhờ trồng ớt. Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Hoằng (thôn An ấp), hàng năm đều trồng 5- 6 sào ớt, năm nay ông mượn thêm đất của các hộ liền kề trồng 9 sào ớt các loại, nếu trừ đi các khoản chi phí, chí ít gia đình ông cũng lãi không dưới 30 triệu đồng…
Rời huyện Quỳnh Phụ khi thời điểm Tết dương lịch chỉ còn tính bằng ngày. Đây cũng là lúc mà người dân ở nhiều xã đang ra quân làm thuỷ lợi nội đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Mai này khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, các công trình giao thông, thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp chắc chắn người dân Quỳnh Phụ sẽ có thêm thật nhiều vụ đông thắng lợi và cuộc sống của họ cũng sẽ đủ đầy hơn.
Bài, ảnh: Vũ Mạnh
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh