Thứ 5, 08/08/2024, 04:21[GMT+7]

Óng ánh cánh đồng vàng ở Điệp Nông

Thứ 4, 11/01/2012 | 13:47:36
2,408 lượt xem
Ngững ngày đầu năm 2012, cái rét ngọt kéo dài không đủ giữ chân mọi người ở nhà, mà ai nấy đều tranh thủ trời hanh nắng để ra đồng làm thuỷ lợi đông xuân, chăm sóc và thu hoạch cây vụ đông. Ở Điệp Nông (Hưng Hà) lại khác, trên khắp các xứ đồng vắng bóng người nông dân, không có màu xanh của cây màu mà thay vào đó là một màu vàng trải dài khuất tầm mắt, những cây đậu tương sai trĩu quả, hạt căng tròn đang phơi mình để chờ đến ngày thu hoạch.

Ảnh mang tính minh họa

Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTXDVNN Điệp Nông cho hay, chính vì bà con chủ động làm thuỷ lợi từ rất sớm nên hơn 300 ha đậu tương trồng trên đất hai lúa ở đây sinh trưởng, phát triển rất tốt, hiện tại không phải chăm sóc, dự kiến toàn bộ diện tích thu hoạch quanh trục từ 15 - 20/1/2012; chắc chắn năm nay nông dân sẽ gặt hái thêm mùa vàng.

 

Vụ đông năm 2011, các xã trong toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về gieo trồng cây vụ đông, do lúa mùa thu hoạch chậm 15 - 20 ngày, cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh gây thiệt hại 9 nghìn ha cây vụ đông ưa ấm, mưa lớn kéo dài làm ngập mặt ruộng rất khó để gieo đậu tương...Chính vì vậy mà diện tích cây vụ đông đã giảm sút đáng kể, nhất là cây đậu tương chỉ đạt gần 4.400 ha, giảm 8.469 ha so với vụ đông năm 2010. Tuy nhiên, đối với Điệp Nông - một xã có truyền thống trồng cây đậu tương đông lại khác, các hộ dân đã khắc phục mọi khó khăn của thời tiết để gieo trồng theo kế hoạch đã đề ra. Đất đã không phụ lòng người, mọi vất vả cực nhọc của người nông dân đã được đền đáp, 310 ha cây đậu tương đều sai trĩu quả, hạt mẩy, năng suất ước đạt trên 70 kg/ sào, giá trị 1.100 nghìn đồng/ sào.

 

Quả thực, chúng tôi đã đi nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng để có cây vụ đông trồng kín trên đất hai lúa như ở Điệp Nông thật hiếm, nó không chỉ tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá trông rất đẹp mắt, mà còn xây dựng thành công vụ thứ 3 trong năm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho 100% hộ dân.

 

Để có được kết quả như ngày hôm nay, phải khẳng định vai trò chỉ đạo, lãnh đạo sản xuất nông nghiệp của Điệp Nông và ý thức, trách nhiệm của người nông dân rất tốt. Ông Trần Minh Chiêu cho biết: Để có được những cánh đồng đậu tương như hiện nay trước hết là yếu tố gắn kết mùa vụ, công tác thuỷ lợi, giống và ý thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 100% diện tích ở hai vụ lúa được gieo cấy bằng các giống ngắn ngày, đồng thời việc đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp được thực hiện khá đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch.

 

Vụ mùa vừa qua, hầu như các xã khác trong huyện thu hoạch và gieo trồng cây vụ đông chậm hơn so với năm trước 15- 20 ngày, đặc biệt là cây đậu tương nhiều nơi đã bỏ không trồng, vì đây là cây ưa ấm, đòi hỏi khá khắt khe về lịch thời vụ. Song, đối với Điệp Nông do làm tốt việc gắn kết mùa vụ và tổ chức làm thuỷ lợi nội đồng sớm nên các giống đậu tương đã cơ bản gieo trồng đúng kế hoạch, như giống ĐT12, D2001, đến ngày 15/10 gieo xong, giống AK03, ĐT12 gieo xong trước ngày 25/10/2011.

 

Để bảo đảm cây đậu tương sau gieo không bị ngập úng, hoặc khô hạn, HTX đã giao kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng cho từng thôn thực hiện. Đồng thời phát động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia lao động xã hội chủ nghĩa bằng một ngày công lao động; tổng đã có 1.785 người tham gia đào đắp 28 km mương máng. Do đó, toàn bộ diện tích đậu tương đều được tiêu nước kịp thời, không để xảy ra chết chột, hoặc chậm phát triển. Giống đậu tương cho năng suất và thích ứng với đồng ruộng ở đây là yếu tố khá quan trọng để bà con mở rộng tối đa diện tích trên đất hai lúa. Để làm được điều này, trong những năm qua Điệp Nông đã tuyển chọn nhiều giống đậu tương mới có năng suất cao, chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh, đồng thời đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

 

Với mô hình trồng gọn vùng 12 ha đậu tương giống ĐT26 ở thôn Ngũ Đông cho thấy hiệu quả gieo bằng máy giảm chi phí được 1,4 triệu đồng/ ha, đặc biệt là giải quyết nhanh thời vụ. ĐT26 sinh trưởng có số đốt nhiều, lá to, độ đồng đều cao, màu sắc lá xanh đậm, hạt tròn to căng, chống đổ tốt và sạch bệnh; năng suất đạt 85 – 90 kg/sào, cao hơn một số giống từ 20 – 40 kg/sào. Ngoài ra, ở Điệp Nông còn có thêm kinh nghiệm khá quan trọng để cây đậu tương sinh trưởng, phát triển được cả trong điều kiện mưa nhiều, hoặc khô hạn đó là kỹ thuật gieo gốc rạ. Bà con nông dân vừa gặt lúa, vừa tra hạt đậu tương ngay vào gốc rạ, không chỉ bảo đảm về lịch thời vụ mà còn giảm chi phí ngày công lao động. Khi gặp mưa sẽ không bị ngập trong nước, trời khô hanh các gốc rạ lại giữ được độ ẩm; khi cây đậu phát triển rễ sẽ ăn sâu gốc chân rạ, đồng thời gốc rạ sau khi phân huỷ lại là nguồn phân quý để nuôi dưỡng đậu tương.

 

Theo ông Trần Minh Chiêu, dù thời tiết có bất thường như thế nào đi nữa thì người nông dân vẫn không từ bỏ gieo trồng đậu tương vụ đông trên đất hai lúa, bởi kinh nghiệm đã có và cây này chi phí thấp, nhưng lợi nhuận lại khá cao. Chi phí cho 1 sào đậu tương khoảng 140- 150 nghìn đồng, nhưng thu nhập đạt từ 900 – 1.200 nghìn đồng/ sào, đồng thời vỏ hạt và thân cây đậu bán được 50 nghìn đồng/ sào cho các làng nghề làm hương.

 

Hiện nay, lực lượng lao động trẻ khoẻ hầu như đi làm ăn xa nhà, do đó cây đậu tương rất phù hợp với điều kiện này, bởi gieo đậu tương gốc rạ không phải làm đất chỉ việc tra hạt nên ai cũng có thể làm được, từ trẻ nhỏ đến người già. Đặc biệt cây đậu tương không chỉ đem lại giá trị thu nhập trực tiếp từ nó, mà còn có tác dụng cải tạo đất, toàn bộ phần lá, gốc rễ có nhiều nốt sần chứa đạm, nhân, rạ phủ lúc gieo hạt thối mục giúp cho đất hai lúa phì nhiêu, tơi xốp. Do đó, ở hai vụ lúa bà con nông dân ở đây đã giảm chi phí chăm bón từ 3 -4 kg phân lân so với diện tích không trồng đậu tương. Ngoài ra, trồng đậu tương còn có tác dụng bảo vệ môi trường, vì hầu như các địa phương sau khi thu hoạch lúa mùa đều đốt rơm rạ, nhưng ở Điệp Nông rơm rạ đều sử dụng để che phủ đậu tương.

 

Đứng giữa cánh đồng đậu tương ở Điệp Nông là một màu vàng vô tận, những cơn gió mùa cuối đông đang cố sức giật những chiếc lá đã úa tàn để lại trên cây lớp lớp quả như những thỏi vàng óng ánh. Một mùa xuân mới đang đến gần, nông dân nơi đây có thêm một vụ mùa bội thu, góp phần cho mâm cơm ngày Tết Nhâm Thìn thêm đầy đặn, nhà cửa trang hoàng, các thành viên trong gia đình sắm những bộ quần áo mới để đón xuân sang.

                                                                                                   Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày