Thứ 7, 02/11/2024, 22:27[GMT+7]

Hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo sạch

Chủ nhật, 03/02/2019 | 17:17:30
1,301 lượt xem
Năm 2018, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã và đang hứa hẹn mang lại những hiệu quả có tính đột phá, đánh dấu sự chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam thu mua lúa ngay tại ruộng cho nông dân (ảnh do Công ty cung cấp).

Đáng chú ý trong đó có mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ giữa các hợp tác xã, đơn vị trong tỉnh với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam - nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Ong Biển. Mô hình đã bước đầu tạo được tính lan tỏa và sự thay đổi nhận thức trong tư duy sản xuất của người trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với diện tích gieo trồng hàng năm gần 158.000ha. Nhờ lợi thế tự nhiên và năng lực thâm canh tốt, năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đều đạt từ 131 - 132 tạ/ha/năm, sản lượng lúa đạt ổn định trên 1 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tỉnh đã và đang xác định tập trung phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, trong đó việc liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ được đặc biệt quan tâm để nâng cao giá trị sản xuất. Vụ mùa năm 2018, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hợp tác xây dựng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa sạch, chất lượng cao theo hướng hữu cơ với diện tích 40ha tại 8 huyện, thành phố. 

Tham gia mô hình, nông dân áp dụng quy trình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ OBI - Ong Biển, không sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích hay bất kỳ một loại thuốc trừ sâu nào, bảo đảm lúa được canh tác hoàn toàn tự nhiên chỉ với hai bước đơn giản: bón phân và tưới nước. Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam đã tập huấn quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển trên cây lúa cho cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp, các HTXNN tham gia mô hình đồng thời ngành Nông nghiệp đã phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi, giám sát việc thực hiện quy trình tại các điểm. Mặc dù chịu nhiều bất lợi do thiên tai, sâu bệnh nhưng qua đánh giá, lúa tại các điểm mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, cứng cây, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hơn so với ruộng ngoài mô hình. Mặc dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh thấp hơn các ruộng ngoài mô hình. 

Theo đánh giá cảm quan của nông dân trực tiếp tham gia mô hình, ruộng bón phân hữu cơ vi sinh Ong Biển đất mềm, xốp hơn so với ruộng không bón. Có 2 điểm sử dụng giống lúa BC15, 6 điểm còn lại đều sử dụng giống lúa Đông A1, năng suất theo đánh giá của ngành Nông nghiệp trung bình đạt 150 - 160kg/sào, nơi cao đạt 200 - 220kg/sào, lúa được Công ty thu mua tươi ngay tại ruộng để chế biến nông sản, thực phẩm hữu cơ với giá cao hơn sản phẩm sản xuất đại trà. 

Tại hội nghị tổng kết mô hình, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam tiếp tục phối hợp với Thái Bình nhân rộng mô hình, không chỉ trên cây lúa mà trên rau màu, cây ăn quả để từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao trong thời gian tới.

Khi năng suất lúa đã chạm ngưỡng kịch trần thì việc sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, bao tiêu là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao giá trị, hướng tới sản xuất bền vững. Mô hình liên kết sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ tuy mới được triển khai 1 vụ nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cả chính quyền, người dân, mở ra hướng đi mới trong canh tác lúa gạo.

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam là hướng đi phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hiệu quả lớn nhất của mô hình là tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân. Tôi mong muốn UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty thử nghiệm, mở rộng diện tích mô hình trong thời gian tới để hướng tới xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN An Châu, xã An Châu (Đông Hưng)

Từ trước đến nay, người dân ở đây luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Khi được lựa chọn triển khai mô hình làm lúa theo hướng hữu cơ và thu mua luôn sản phẩm bà con rất mừng. Xã An Châu làm mô hình 5ha với giống lúa Đông A1 có 48 hộ tham gia. Quá trình triển khai, người dân chấp hành tương đối tốt quy trình sản xuất: 1 lần bón lót, 4 lần bón thúc. Quy trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch.

Bà Trần Thị Gấm, thành viên HTX SXKD DVNN Bình Định, xã Bình Định (Kiến Xương)

Gia đình tôi có 5 sào lúa nằm trong mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân bón Ong Biển, năng suất đạt 2 tạ/sào. Ban đầu, khi được cán bộ kỹ thuật của Công ty, ngành Nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, nông dân chúng tôi khá băn khoăn bởi quy trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong khi sản xuất lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố này. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cam kết sẽ đền bù nếu năng suất thiệt hại, chúng tôi yên tâm sản xuất, tuân thủ đúng quy trình được tập huấn. Cây lúa khỏe, cứng cây, tuy có sâu bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ruộng ngoài mô hình. Tôi mong muốn Công ty điều chỉnh lượng phân bón, quy trình chăm sóc cho phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương và mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày