Thứ 7, 11/01/2025, 15:56[GMT+7]

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Nỗ lực từ các cơ quan chức năng là chưa đủ

Thứ 5, 28/02/2019 | 09:28:21
2,182 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi. Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc với nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu nhân dân, nhất là người chăn nuôi lợn không chấp hành nghiêm các quy định và chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh kiểm tra sông Tà Sa, xã Bắc Sơn (Hưng Hà).

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 16 giờ ngày 26/2, toàn tỉnh đã tiêu hủy 327 con lợn của 24 hộ ở 2 xã: Đông Đô, huyện Hưng Hà và Lô Giang, huyện Đông Hưng. Diễn biến mới nhất là tại xã Tây Đô, huyện Hưng Hà phát hiện trường hợp hộ ông Nguyễn Danh Quang, thôn Quang Trung có 20 con lợn ốm nghi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thời gian qua, ngoài biện pháp xử lý dập dịch tại 2 xã Đông Đô và Lô Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch động vật của tỉnh, của các huyện, xã có dịch và vùng uy hiếp xảy ra dịch nhằm khống chế, dập dịch và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng. Cùng với các ngành, đơn vị hữu quan, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường lực lượng tham gia tại các chốt kiểm dịch động vật làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển động vật, nhất là lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã huy động lực lượng cán bộ thường trực của Cục Quản lý thị trường tham gia các đoàn công tác của tỉnh và phân công cán bộ ứng trực tại 4 chốt kiểm dịch động vật do UBND tỉnh thành lập; đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, thành phố tập trung lực lượng phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch động vật cấp huyện, cấp xã. Ngoài triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm địa bàn, kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn phụ trách, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm về kinh doanh, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn, mỗi cán bộ quản lý thị trường cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, thông tin tình hình dịch bệnh cho Cục chỉ đạo xử lý theo quy định.

Lực lượng liên ngành làm việc tại chốt kiểm dịch động vật Bến Hiệp (Quỳnh Phụ). 

Tại các chốt kiểm dịch động vật Cầu Nghìn, Triều Dương, Bến Hiệp, La Tiến, nơi cửa ngõ từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và thành phố Hải Phòng vào tỉnh, các cán bộ của Cục Quản lý thị trường tỉnh và lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ngày đêm khắc phục mọi khó khăn, duy trì hoạt động kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vận chuyển động vật, trong đó có lợn và các sản phẩm từ lợn nhằm ngăn chặn bệnh, dịch phát sinh lây lan và xâm nhập vào địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Thành Lâm, cán bộ Cục Quản lý thị trường tại chốt kiểm dịch động vật Bến Hiệp chia sẻ: Những ngày qua, thời tiết mưa, lạnh và thiếu nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt nhưng anh em trong tổ công tác của chốt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên có mặt tại vị trí thực hiện nhiệm vụ bất kể dù ngày hay đêm. Khi phát hiện phương tiện nghi ngờ chở động vật vào tỉnh hoặc từ trong tỉnh ra ngoài, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch sẽ được xử lý kịp thời. 

Còn ông Phạm Huy Hiện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (huyện Đông Hưng) cho biết: Đội đã huy động 100% lực lượng tham gia cùng các ngành làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch động vật cấp huyện. Chúng tôi động viên anh em khắc phục mọi khó khăn về phương tiện, trang bị và điều kiện sinh hoạt để bám chốt không để bất cứ trường hợp tổ chức, cán nhân nào vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trái phép từ ngoài vào vùng dịch và từ vùng dịch ra ngoài góp phần thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng.

Sáng ngày 27/2, phóng viên Báo Thái Bình đã cùng đoàn công tác liên ngành gồm Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Tài chính đi kiểm tra tại các chốt kiểm dịch động vật xã: Lô Giang (Đông Hưng), Bắc Sơn, Văn Cẩm (Hưng Hà) và chốt kiểm dịch động vật Bến Hiệp (Quỳnh Phụ). Các lực lượng chức năng luôn có mặt tại chốt, thực hiện nghiêm việc kiểm soát phương tiện vận chuyển, tổ chức rắc vôi bột trên đoạn đường lập chốt và tiến hành phun hóa chất khử trùng tiêu độc đối với các phương tiện ra, vào địa phương. Cán bộ của chốt kiểm dịch động vật các cấp thực hiện nghiêm việc thống kê, ghi chép sổ sách nhật ký làm việc. 

Ông Đặng Túc Thành, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn. Nguyên nhân chính là nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến cho công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.

 Ông Lê Xuân Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn (Hưng Hà) cho biết: Từ ngày 17/2 đến nay, ngày nào chúng tôi cũng thu vớt được lợn chết mà người dân vứt trên sông Tà Sa theo dòng nước trôi về địa bàn xã. Có ngày, cán bộ tài nguyên môi trường xã vớt và xử lý chôn lấp gần 20 con lợn chết. Thực tế này không những làm cho cán bộ địa phương phải căng mình kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường bộ và trên sông thuộc địa bàn mà còn ấn chứa nguy cơ phát sinh bệnh dịch cho đàn gia súc của bà con trong xã là rất lớn.

Hiện tượng người dân vứt rác và xác lợn chết trên sông Tà Sa, xã Bắc Sơn (Hưng Hà) tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Giấu bệnh dịch và xử lý lợn chết không theo quy định của người chăn nuôi đang là mối nguy cơ lớn nhất khiến cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của các cấp, các ngành trong tỉnh gặp khó khăn. Việc cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm theo nội dung các chỉ thị, công điện, kế hoạch của tỉnh và cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch là điều cần làm ngay lúc này.

Hà Thanh

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày