Thứ 7, 11/01/2025, 15:50[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 01/03/2019 | 09:13:32
1,836 lượt xem
Huyện Quỳnh Phụ có đàn lợn lớn nhất tỉnh với gần 135.000 con, được nuôi tại 8.563 hộ, trong đó có 204 trang trại, còn lại là chăn nuôi gia trại và nhỏ lẻ. Trước nguy cơ của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi tại xã An Vinh (Quỳnh Phụ).

Quỳnh Phụ có địa bàn tiếp giáp với các địa phương đang có dịch là huyện Hưng Hà và tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng cùng quốc lộ 10 và các tuyến đường nhánh chạy qua, có lượng người và phương tiện lưu thông cao nên công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ được chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.
Xã Quỳnh Châu hiện có tổng đàn lợn hơn 4.000 con với 6 trang trại, 30 gia trại. 

Ông Nguyễn Trung Dực, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Là xã tiếp giáp với huyện Hưng Hà qua đường DH.72, nơi đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi nên công tác phòng, chống dịch được xã đặc biệt quan tâm. Để tránh thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ nguồn hóa chất, vôi bột cấp phát của huyện, xã đã thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã lập các tổ tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu hoặc từ những vùng có dịch qua địa bàn xã.

So với các nông hộ và gia trại, áp lực dịch bệnh đối với những trang trại quy mô lớn rất nặng nề. Ông Bùi Hữu Sĩ, chủ trang trại ở thôn Hương Hòa, xã An Vinh chia sẻ: Trang trại của tôi với quy mô 5 dãy chuồng hiện đang nuôi 90 lợn nái, 450 lợn thịt cùng 300 lợn con. Vệ sinh, phòng dịch luôn là vấn đề sống còn đối với trang trại, do đó ngoài việc chủ động thuê cán bộ kỹ thuật, nhập vắc-xin tiêm phòng định kỳ, chú trọng bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn lợn, chúng tôi đã tích cực thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng toàn khu vực, thường xuyên theo dõi thông tin để có biện pháp đối phó kịp thời. Trang trại đang duy trì đàn, hạn chế xuất nhập, hiện giá lợn giảm, tính riêng chi phí thức ăn hết hơn 10 triệu đồng/ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế. Tuy nhiên, với các biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh dịch từ tỉnh đến xã, những người chăn nuôi như ông Sĩ đều tin tưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ được ngăn chặn.

Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tính đến hết ngày 25/2, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của huyện ổn định, không xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã ra các công điện khẩn, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tới các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cán bộ chăn nuôi thú y toàn huyện. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện về phòng, chống và ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thường xuyên bám nắm địa bàn, chủ động tham mưu UBND huyện các biện pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch, hướng dẫn các biện pháp xử lý khi có dịch xảy ra theo đúng quy định. 

Cùng với phát động đợt cao điểm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường vùng chăn nuôi và các khu vực liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là lợn, huyện đã cấp phát 1.000 lít hóa chất cho các xã giáp ranh với hai huyện Hưng Hà, Đông Hưng và tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng, các xã gần đường 10 và có mật độ chăn nuôi cao. Đồng thời, phát động các địa phương, hộ chăn nuôi chủ động mua vôi bột để phục vụ tiêu độc, khử trùng. 

Bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền xuống tận cơ sở thôn, Quỳnh Phụ đã thành lập các đoàn liên ngành tuần tra, các chốt kiểm soát dịch bệnh tập trung tại các vùng giáp ranh, các tuyến giao thông trọng điểm, bến đò ngang, đường liên huyện với mục tiêu không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn.

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày