Thứ 2, 26/05/2025, 06:06[GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu

Thứ 5, 02/02/2012 | 14:01:20
4,679 lượt xem
Khoai tây là cây trồng vụ đông cho giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích trồng khoai tây ở Thái Bình có xu thế tăng chậm, hoặc không tăng do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chi phí sản xuất cao, nhất là khâu làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốn rất nhiều công sức của nông dân.

Mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu tại Thái Giang (Thái Thụy) cho hiệu quả thu hoạch cao.

Để giải quyết bài toán trên, từ năm 2009 đến nay Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Thái Bình đã xây dựng mô hình “Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu” ở một số địa phương, bước đầu giúp bà con nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tại hội nghị đầu bờ tại thôn Nha, xã Thái Giang (Thái Thụy), nhiều người có cơ hội đến tận nơi “ mục sở thị” mô hình, nghe cán bộ kỹ thuật và người dân ở đây  nói về trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu.

Sau khi thu hoạch lúa, tháo cạn nước đến khi độ ẩm của đất bảo đảm 70% đến 80% ( bước mặt ruộng hơi lún và in hình vết chân) tiến hành trồng. Sử dụng giống khoai bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sạch sâu bệnh, 1 ha cần lượng giống từ 1.300 đến 1.400kg. Tạo luống bằng 2 cách: có thể đào rãnh rộng từ 25cm đến 30 cm, sâu 25cm, luống rộng từ 1,2m đến 1,4m hoặc cày, cuốc để tạo thành luống không cần phải làm nhỏ đất, chỉ cần tạo phẳng mặt luống là được. Thu gom rơm rạ theo luống trồng khoai tây hoặc thành đống để che phủ sau khi đã trồng khoai, mỗi sào khoai cần 3 sào rạ kết hợp dùng phân chuồng hoặc tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, bèo bồng ngâm ủ bằng các chế phẩm sinh học để tạo ra phân hữu cơ.

Mỗi ha trồng khoai theo phương pháp này cần 190 tạ phân chuồng, 270kg urê, 420kg lân, 224 kg ka-li. Dùng 100% phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, 100% lượng lân và 30% đạm bỏ vào hốc, tiếp đó đặt một ít cát hoặc đất nhỏ rồi đặt củ, lấp một lớp cát mỏng lên trên củ, tránh đặt củ trực tiếp lên phân bón. Sau khi đặt củ thì dùng rạ, rơm, mùn trấu phủ kín lên mặt luống dày khoảng 10cm. Sau khi trồng phải thường xuyên tưới nước bảo đảm độ ẩm, khi cây mọc được từ 10 đến 15cm bổ sung thêm rơm rạ vào những chỗ bị hở mặt luống để phân bón, củ giống không tiếp xúc với ánh sáng. Lượng phân bón hoá học còn lại dùng để tưới nhử và bổ sung cho những cây kém phát triển, chế độ tưới nước và phòng trừ sâu bệnh thực hiện như sản xuất khoai truyền thống.

Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 80 đến 90 ngày. Với cách làm như vậy, 3 năm nay người dân Thái Giang áp dụng khá thành công, năm 2009 bà con trồng thí điểm 2.000m2 trên chân đất thịt nhẹ cho kết quả tốt, năm 2010 tiếp tục sản xuất thí điểm ở thôn Nha với quy mô lớn hơn. Đến vụ đông năm 2011, trong tổng số 10 ha khoai tây của thôn Nha thì có 50% diện tích được bà con trồng bằng phương pháp làm đất tối thiểu, trong đó 2 ha mô hình do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ trồng ở vùng đất kìm hãm 2 lúa vẫn cho hiệu qủa kinh tế rất cao. Chỉ cần nhẹ tay bới rơm rạ, củ khoai đã lăn long lóc như những rổ trứng ngỗng, củ nào củ nấy nhẵn nhụi, căng tròn, trông thật đẹp mắt.

Bà Bùi Thị Thủy ( thôn Nha) phấn khởi khoe :” Nhà tôi trồng 1,5 mẫu khoai tây thì có 4 sào trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu. Trước đây trồng khoai tây truyền thống bắt buộc phải làm trên chân đất màu. Nhưng giờ, gia đình tôi làm  theo cách mới này có thể trồng ở bất kỳ ruộng nào: đất chua, đất trũng, đất bùn đều được, củ giống mọc nhanh, cây khoẻ, ít bị đổ hơn, tốn ít công làm đất, khi thu hoạch chỉ cần bới rạ nhấc gốc lên nhặt củ là xong.

Còn anh Nguyễn Huy Giáp, Chủ nhịêm HTX dịch vụ nông nghiệp khẳng định: “ Chưa năm nào, Thái Giang trồng khoai tây năng suất đạt cao như vậy, đặc biệt mô hình làm đất tối thiểu bình quân đạt từ 20 đến 23 tấn/ha. Nhiều gia đình, hai ông bà 70 tuổi vẫn trồng 2 sào khoai tây. Khi thu hoạch, thương lái xuống tận ruộng mua với giá bình quân từ 7.000 đồng đến 8000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà con thu lãi từ 3 đến 3,5 triệu đồng/sào cao hơn rất nhiều so với cấy lúa”.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh: Thái Bình triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu từ vụ đông năm 2009 với diện tích chỉ vài ngàn m2. Sau 3 năm, Chi cục vừa mở  lớp huấn luyện cho nông dân, vừa hỗ trợ tổ chức sản xuất những mô hình điểm. Đến nay, diện tích khoai tây bà con thực hiện trồng theo phương thức làm đất tối thiểu ở các huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy... đạt 130 ha, bước đầu làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều nông dân. Trồng theo phương pháp này sẽ tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, mùn trấu và các sản phẩm thừa của thực vật để phủ dầy lên mặt luống khoai tây thay vì phải làm đất vun cao gốc cho cây như cách làm truyền thống trước đây, từng bước khắc phục  tình trạng đốt rơm rạ, thải tàn dư cây trồng khắp nơi gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường.

Đồng thời từ nguồn tàn dư cây trồng phủ trên mặt luống  đã bổ sung một lượng mùn đáng kể, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, rất tốt cho những vụ sản xuất tiếp theo, tiết kiệm được một phần phân bón hoá học. Thực tế kiểm nghiệm tại các mô hình bà con đã thực hiện cho thấy: trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ dầy không chỉ tiết kiệm giống, phân bón, nước tưới, công phòng trừ sâu bệnh mà mỗi ha còn giảm được 193 công lao động so với tập quán sản xuất khoai tây truyền thống. Sản phẩm khoai tây sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn, củ sáng bóng vì không bị dính đất, trầy xước, bán được giá cao hơn, bảo quản trong kho lạnh ít hao hơn. Đặc biệt, mức lãi bình quân tính theo giá hiện tại mỗi ha đạt từ 105 triệu đồng đến 153 triệu đồng, cao hơn mức lãi trồng theo tập quán canh tác của nông dân từ 33,8 triệu đồng đến 42,4 triệu đồng.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày