Thứ 3, 05/11/2024, 01:02[GMT+7]

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 14/03/2019 | 10:17:53
1,215 lượt xem
Một tháng đã trôi qua từ ngày phát hiện tình trạng lợn ốm chết bất thường ở xã Đông Đô (Hưng Hà), đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân phải hết sức cảnh giác, hết sức tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nông dân xã Dân Chủ (Hưng Hà) tích cực vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Đến ngày 10/3, cả nước ghi nhận đã có 13 tỉnh, thành phố có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 6 huyện với tổng số 70 xã, có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó huyện Hưng Hà 19 xã, huyện Đông Hưng 28 xã, huyện Quỳnh Phụ 16 xã, huyện Vũ Thư 3 xã, huyện Thái Thụy 3 xã và huyện Kiến Xương 1 xã. Tổng số lợn đã tiêu hủy trong ổ dịch của 6 huyện là 8.414 con với tổng trọng lượng 489.243kg. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc cùng phối hợp thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tuần vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng được UBND tỉnh phát động triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn tỉnh từ ngày 2 - 9/3 đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ đàn lợn cũng như đàn vật nuôi trước diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh dịch. Đến nay, các địa phương và người chăn nuôi trong toàn tỉnh đã sử dụng 26.861 lít hóa chất và 929.396kg vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Tại huyện Kiến Xương, mặc dù đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống như: thành lập đội kiểm tra lưu động; thành lập 69 chốt kiểm dịch, trong đó 4 chốt của huyện và 65 chốt của 37 xã, thị trấn; cấp phát gần 2.400 lít hóa chất cho các địa phương thực hiện tuần vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tuyên truyền, vận động các địa phương và nhân dân mua thêm gần 400 lít hóa chất và 61,4 tấn vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng... nhưng do diễn biến phức tạp của bệnh dịch nên đến chiều ngày 6/3, trên địa bàn thôn 3, xã Vũ Quý vẫn xuất hiện tình trạng 3 con lợn ốm chết bất thường ở hộ gia đình ông Ngô Mạnh Cường. 

Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình ông Cường và đến sáng ngày 9/3, toàn bộ 15/15 con lợn của hộ gia đình ông Cường đã được thực hiện tiêu hủy theo đúng quy trình với tổng trọng lượng 808kg. Xã cũng thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực lân cận; cấp phát 88 lít hóa chất, 1.800kg vôi bột cho các hộ chăn nuôi thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng; đồng thời thành lập 2 tổ vệ sinh tiêu độc, khử trùng và 3 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông của xã trong đó tại thôn 3 là 2 chốt. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đến hết ngày 10/3, trên địa bàn xã Vũ Quý cũng như toàn huyện Kiến Xương không phát sinh thêm lợn ốm chết bất thường nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nông dân xã Thanh Tân (Kiến Xương) rắc vôi bột xung quanh đường làng để thực hiện tiêu độc, khử trùng.

Còn đối với huyện Tiền Hải, mặc dù là một trong hai huyện, thành phố duy nhất của tỉnh chưa phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác phòng, chống bệnh dịch đang được huyện triển khai hết sức quyết liệt. 

Ông Đặng Thế Huyễn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Lăng (thôn Hưng Đạo, xã Vũ Lăng) tâm sự: Khi nghe thông tin trên địa bàn tỉnh đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi tôi rất lo lắng bởi việc bảo đảm an toàn cho hơn 2.000 con lợn trong thời điểm này là hết sức khó khăn. Chính vì thế, ngoài việc tăng cường phun hóa chất và rắc vôi bột xung quanh chuồng trại 2 lần/ngày (trước đây chỉ 2 lần/tuần), tôi còn thực hiện bổ sung vi chất nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn. 

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức để mọi người dân đều nắm rõ về tình hình bệnh dịch, huyện Tiền Hải còn tổ chức ký cam kết với 8.716 hộ chăn nuôi, 186 hộ giết mổ, 20 hộ buôn bán, thu mua lợn con, 260 hộ bán thịt lợn và 5 bến đò; thực hiện cấp phát 20 tấn vôi bột, 2,5 tấn hóa chất cho các địa phương đồng thời vận động các địa phương và các hộ chăn nuôi mua thêm 4,9 tấn vôi bột và 274kg hóa chất để thực hiện tiêu độc, khử trùng trên địa bàn và khu vực chuồng trại chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, huyện Tiền Hải còn thành lập 2 chốt kiểm dịch, qua đó đã ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn từ địa phương khác vào huyện cũng như việc vận chuyển lợn ở trong huyện đi các địa phương khác với phương châm “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Chính vì thế, đến ngày 10/3, trên địa bàn huyện Tiền Hải chưa phát hiện tình trạng lợn ốm chết bất thường trên quy mô tổng đàn gần 91.000 con với 8.716 hộ chăn nuôi, trong đó lợn nái gần 18.400 con, lợn đực giống gần 100 con, lợn choai hơn 14.300 con, lợn thịt hơn 23.300 con và lợn con theo mẹ gần 35.000 con.

Để khẩn trương khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan ra diện rộng, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm soát, vận chuyển, giết mổ lợn; nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp; nghiêm cấm việc mượn đường vận chuyển qua địa phương có dịch; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các địa phương chưa có dịch hoặc mới xuất hiện ổ dịch thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch. Nghiêm túc thực hiện các đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tránh tình trạng cấp phát hóa chất hỗ trợ của tỉnh cho các hộ chăn nuôi tích trữ sử dụng dần. Xây dựng phương án xử lý và kịch bản cho trường hợp dịch lan ra diện rộng để chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện khống chế dịch, giảm thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra. Các cơ quan chức năng, thành viên ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch cần sát sao chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được khống chế, từ đó bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra.

Minh Hương - Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày