Thứ 3, 26/11/2024, 15:22[GMT+7]

Hệ thống thủy lợi trước yêu cầu mới

Thứ 2, 18/03/2019 | 09:12:07
2,027 lượt xem
Hiện nay, hệ thống thủy lợi (HTTL) trên địa bàn tỉnh đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tưới, tiêu cho trồng trọt. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới, đặc biệt là thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thì HTTL đang bộc lộ nhiều yếu điểm.

Hệ thống đê cửa sông Diêm Hộ (Thái Thụy) được đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hưng

Theo tổng hợp của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km. Các tuyến đê trong tỉnh có 118 kè hộ bờ với trên 150km kè lát mái và trên 50 kè mỏ; dưới đê có 204 cống lớn nhỏ; 1.433 trạm bơm, trong đó có 1.111 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu và 347 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp với tổng công suất các trạm 825m3/s; có 2.820km sông trục dẫn, 1.953 cống đập nội đồng và hơn 7.712km kênh mương các cấp. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được chia thành hai hệ thống Bắc và Nam. Trong đó, HTTL Bắc phục vụ tưới 54.628ha, diện tích thực tưới đạt 65% so với thiết kế; HTTL Nam phục vụ tưới 38.163ha, diện tích thực tưới đạt 65% so với thiết kế. 

Những năm qua, HTTL được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt đề án hiện đại hóa HTTL giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo với mục tiêu nâng cao hiệu quả phục vụ của HTTL trước yêu cầu phát triển của nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án 14.455 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, cải tạo các công trình. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, tiến độ thực hiện không đạt so với kế hoạch đề ra, mới tập trung cải tạo các công trình đầu mối. Do đó, HTTL chưa phát huy được hiệu quả đồng bộ. Các công trình, đặc biệt là cống tiêu chủ lực xuống cấp, các sông trục dẫn nước tiêu quá nông, nhiều vật cản, khả năng dẫn nước chỉ đạt 40 - 60% so với năng lực thiết kế.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, áp lực tưới, tiêu ngày càng tăng. Ngay như cơ cấu mùa vụ, cây trồng đã có nhiều thay đổi, diện tích lúa giảm, tăng diện tích cây trồng hàng hóa, cây lâu năm. Những mô hình sản xuất nông sản an toàn đang và sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới đi cùng với đó là yêu cầu nguồn nước hợp vệ sinh để bảo đảm chất lượng nông sản sạch. Thực tế, những mô hình sản xuất nông sản an toàn đang phải tự tìm giải pháp xử lý nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm này không còn phù hợp vì chi phí cao, đáp ứng quy mô sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, HTTL xây dựng chủ yếu phục vụ nhu cầu cấy lúa hai vụ, không có hệ thống riêng cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, từng vùng để xây dựng chiến lược đầu tư cho HTTL là việc làm cần thiết để phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.


                   Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày