Đông Hưng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi quyết liệt nhưng chưa hiệu quả
Sau ngày địa phương công bố dịch (25/2/2019) xã Lô Giang - nơi đầu tiên phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi của huyện Đông Hưng giống như một “trận địa”. Mọi nơi ra vào của thôn, xã đều được rắc vôi bột trắng xóa, các chốt chặn đều có cán bộ cơ quan liên ngành canh gác. Công tác tiêu độc, khử trùng được thực hiện thường xuyên, tiêu hủy đúng quy trình song bệnh dịch vẫn lây lan nhanh, khó kiểm soát.
Ông Vũ Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hơn 40 ngày qua, cán bộ xã, cán bộ thôn “gồng mình” chống dịch, việc tiêu độc, khử trùng những ngày đầu được thực hiện xuyên đêm nhưng tất cả nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và hộ chăn nuôi vẫn chưa thể đẩy lùi được bệnh dịch. Đến ngày 2/4/2019, xã đã tiêu hủy 3.080 con lợn với tổng trọng lượng trên 160 tấn, chiếm 90% tổng đàn lợn. Điều đáng buồn là lợn thì không còn nhiều mà bệnh dịch tả lại chưa có dấu hiệu dừng.
Xã Đông Kinh có 80% hộ dân tham gia chăn nuôi lợn với gần 6.700 đầu lợn, có 6 trang trại, 15 gia trại, 1 vùng chăn nuôi tập trung, được coi là “thủ phủ” lợn của huyện Đông Hưng. Xã đã huy động cả cán bộ thôn cùng vào cuộc, thực hiện tổng thể các giải pháp phòng, chống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền song bệnh dịch vẫn xâm nhập vào địa bàn. Đến ngày 3/3/2019, xã đã có lợn bị bệnh dịch tả phải tiêu hủy.
Bà Phan Thị Hiền, thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh - một trong những hộ đầu tiên có lợn bị bệnh phải tiêu hủy buồn rầu nói: Bệnh dịch tả lây lan quá nhanh lại rất nguy hiểm chỉ sau 3 ngày kể từ khi phát hiện 4 con lợn thịt ốm thì cả 60 con trong chuồng đều nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Mấy chục năm nay thu nhập của gia đình chủ yếu từ phát triển chăn nuôi lợn, giờ lợn chết hết không biết làm gì, mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để có vốn đầu tư chuyển sang nuôi gà, vịt. Không chỉ gia đình bà Hiền mà đến nay trên 200 hộ chăn nuôi lợn của xã Đông Kinh đã bị tiêu hủy trên 2.000 con lợn với trọng lượng 135 tấn. Hiện xã chỉ còn 1 trang trại, 42 hộ có lợn, bệnh dịch tả chưa xâm nhập.
Ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Kinh cho biết: Công tác phòng, chống bệnh dịch tả trên địa bàn xã chưa thực sự hiệu quả bởi có quá nhiều khó khăn. Thiếu nhân lực chốt trạm, làm công tác tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là công tác tiêu hủy lợn ốm, lợn chết vì ngày cao điểm xã phải tiêu hủy tới 12 tấn lợn. Việc tìm địa điểm để chôn đúng quy định, bảo đảm môi trường sau tiêu hủy cũng không dễ. Kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch đang thiếu. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu nên không có đường riêng để vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy... Hiện xã đang tập trung tuyên truyền và cho phép giết mổ lợn ở các hộ chưa có lợn bị bệnh để giảm thiệt hại.
Đây là lần đầu tiên Thái Bình nói chung, Đông Hưng nói riêng đối phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi, một dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị nên trong mọi công tác khó tránh khỏi lúng túng.
Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Huyện đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên xuống cơ sở, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công cán bộ phối hợp với các cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch. Hơn 40 ngày qua, các đồng chí lãnh đạo huyện không có ngày nghỉ, thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, giám sát và động viên những người trực tiếp tham gia công tác kiểm soát, tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng cùng các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ có lợn bị tiêu hủy. Ngoài hóa chất tỉnh cấp, huyện đã mua cấp phát 1.500 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để họ làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng. Tổ chức tiêu hủy đúng quy trình, quy định. Nhưng đến ngày 2/4/2019, toàn huyện đã phải tiêu hủy 31.189 con lợn với tổng trọng lượng 1.616,2 tấn của 4.237 hộ, trong đó lợn nái 7.138 con, lợn thịt 7.954 con, lợn choai 3.768 con, lợn sữa 12.293 con, lợn đực giống 36 con. Đông Hưng cũng là huyện có tốc độ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi nhanh nhất tỉnh, hiện chỉ còn 1 xã bệnh dịch chưa xâm nhập, lượng lợn bị tiêu hủy cũng cao.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện thì ngoài nguyên nhân do bệnh lây lan nhanh, cơ chế lây nhiễm của bệnh chưa rõ ràng, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu thì còn có các nguyên nhân như do lợn bị chết nhiều nên hầu hết các xã đều trong tình trạng thiếu nhân lực, vật lực để khoanh vùng dập dịch. Một số hộ dân không thực hiện tiêu hủy khi có lợn chết vì bệnh dịch tả mà vứt xuống các sông Tiên Hưng, Sa Lung chảy qua địa bàn nhiều xã của huyện Đông Hưng đã khiến bệnh dịch bùng phát ra diện rộng...
Thời gian tới, các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn huyện Đông Hưng phải bình tĩnh đối phó với bệnh dịch, thực hiện triệt để “5 không” trong phòng, chống dịch và thực hiện tốt hơn nữa công tác tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao. Có biện pháp ngăn chặn các loài chim, côn trùng, loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và thực hiện tại cơ sở giết mổ đã được cấp phép có nhân viên thú y kiểm soát. Xử lý chôn lấp lợn bảo đảm yêu cầu tiêu diệt vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm môi trường xung quanh an toàn.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng