Chủ nhật, 12/01/2025, 05:44[GMT+7]

Đông Cường: Quyết liệt khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 10/04/2019 | 08:54:35
880 lượt xem
Trước diễn biến khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấp ủy, chính quyền xã Đông Cường (Đông Hưng) tăng cường công tác phòng, chống, quyết tâm ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, tiến tới khống chế bệnh dịch trên địa bàn.

Tiêu độc, khử trùng trước khi tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Đông Cường.

Đông Cường là một trong những xã có tổng đàn lợn lớn nhất huyện với 5.946 con của 444 hộ. Hết ngày 3/4/2019, toàn xã đã tiêu hủy 3.173 con lợn mắc bệnh, chiếm 53,36% tổng đàn của 392 hộ với tổng trọng lượng gần 179 tấn. 1 tháng qua, cán bộ từ xã đến thôn dành 2/3 thời gian cho công tác phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn bị mắc bệnh. Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 5/3/2019, ngay sau khi phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các hộ chăn nuôi, địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ lợn xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả, chỉ đạo; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu chuồng trại của các hộ chăn nuôi lợn trong toàn xã. Yêu cầu các hộ dân ở những nơi tiếp giáp điểm dịch tiến hành rắc vôi bột, phun hóa chất trong và xung quanh chuồng nuôi. Kiểm soát chặt chẽ các hộ bán thịt lợn trên địa bàn, không cho chở thịt lợn ở nơi khác về bán tại địa phương. Cùng với đó là công tác tuyên truyền tới từng thôn, xóm và tận hộ chăn nuôi làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, kịp thời báo cho cán bộ thú ý xã nếu có lợn ốm bất thường, lợn chết để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng. Ban đầu do số lợn ốm, chết vì bệnh dịch ít nên xã thực hiện tiêu hủy theo hình thức cân tại chuồng rồi chuyển ra bãi rác để chôn nhưng sau khi dịch lan rộng nên thiếu nhân lực, vật lực phục vụ việc dập dịch xã chuyển sang tiêu hủy theo ô chuồng, huy động lực lượng của thôn và các hộ có lợn mắc bệnh vận chuyển ra mặt hố kiểm đếm rồi mới tiêu hủy. Ngày cao điểm xã tiêu hủy 11 tấn lợn nên thực hiện hình thức này không chỉ giải quyết bài toán khó về thiếu nhân lực mà có nhiều người cùng tham gia giám sát sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác kiểm đếm. Ngoài lượng hóa chất được cấp phát, xã trích kinh phí mua thêm gần 100 tấn hóa chất, vôi bột và đồ bảo hộ lao động, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tuần lễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Số lượng lợn phải tiêu hủy lớn nên xã đã thành lập 2 tổ kiểm đếm, tiêu hủy, gồm 5 thành viên, mỗi tổ quản lý 3 thôn hoạt động từ sáng tới tối. Ông Vũ Trọng Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, tổ trưởng tổ kiểm đếm, tiêu hủy lợn cho biết: Các thành viên của tổ thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi trước khi đưa lợn ra tiêu hủy phải quây kín bằng nilon, rắc vôi bột, phun hóa chất, tổ tiêu hủy đào hố và thực hiện các công đoạn tiêu độc, khử trùng trước và sau chôn lấp đúng quy trình. Do vậy, đã 1 tháng qua nhưng khu chôn lấp lợn bị mắc bệnh dịch của xã không có mùi, không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều song công tác khoanh vùng dập dịch ở Đông Cường vẫn còn rất nan giải bởi dịch lan nhanh, nguy hiểm, 100% lợn bị mắc bệnh đều chết. Là một trong những hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy đầu tiên của xã, ông Bùi Công Thuấn, Trưởng thôn Phương Mai cho biết: Gia đình nuôi 29 con lợn thịt và nái trọng lượng gần 1,8 tấn, hàng ngày đều vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng nhưng lợn vẫn nhiễm bệnh nên phải báo xã đến tiêu hủy hết. Thôn Phương Mai có 52 hộ chăn nuôi lợn thì chỉ còn khoảng 5 hộ chưa bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 7/3/2019 đến nay ngày nào tôi cũng tham gia tiêu hủy lợn mắc bệnh từ sáng tới tối, vừa mệt mỏi vừa tiếc của nhưng tôi và các thành viên trong tổ cố gắng làm thật tốt quy trình tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng để sớm khống chế bệnh dịch, bảo vệ đàn lợn còn lại.

Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Đông Cường tiếp tục được triển khai nghiêm túc với các giải pháp cụ thể. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện công tác dập dịch thường xuyên, liên tục, không bi quan. Thực hiện tốt hơn nữa việc tiêu hủy lợn bị mắc bệnh từ quá trình vận chuyển đến tiêu độc, khử trùng ở nơi chôn lấp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Cho phép các cơ sở giết mổ đã được cấp phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi dưới sự kiểm soát của nhân viên thú y. Tuy nhiên, bệnh dịch tả đã xuất hiện nhiều ngày qua và chưa có dấu hiệu kết thúc, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch lớn, vượt quá khả năng của địa phương, vì vậy UBND xã đề nghị bên cạnh việc sớm cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy vì bệnh, cấp trên sớm hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cho xã; tiếp tục hỗ trợ hóa chất, vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng.

Trung Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày