Chủ nhật, 12/01/2025, 08:42[GMT+7]

Không quay lưng với thịt lợn

Thứ 5, 25/04/2019 | 08:19:42
1,642 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tác động đến tâm lý khiến nhiều người e ngại với loại thực phẩm này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan và gây bệnh trên người, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn khỏe mạnh để bảo đảm dinh dưỡng.

Người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, an toàn.

Tính đến ngày 23/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 270 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 217.000 con với tổng trọng lượng hơn 11.000 tấn. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn khi lợn đủ điều kiện xuất chuồng nhưng chưa bán được vì một bộ phận người tiêu dùng có tư tưởng quay lưng với thịt lợn. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số chợ dân sinh và các điểm bán thịt lợn tự phát trên địa bàn tỉnh, lượng thịt lợn tiêu thụ đã giảm đáng kể. 

Bà Lưu Thị Thủy bán thịt lợn tại chợ Đậu, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết: Trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 1,2 - 1,5 tạ thịt lợn, thường chỉ bán trong buổi sáng là hết, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, người mua giảm hẳn nên bán chậm, mặc dù giá thịt lợn giảm nhiều, lượng thịt bán ra mỗi ngày chỉ còn 50 - 70kg.

Cũng theo khảo sát của chúng tôi, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, sức mua thịt lợn không giảm, thậm chí từ sau thông tin bệnh dịch, mức tiêu thụ thịt lợn trong những tuần qua tăng hơn so với trước đây.

 Đang mua thịt lợn tại siêu thị VinMart+ trên đường Lý Bôn (thành phố Thái Bình), chị Trần Hà Vy trú tại tổ 2 phường Trần Lãm trò chuyện với chúng tôi: Thịt lợn là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình tôi, nhất là bọn trẻ rất thích ăn thịt lợn. Trước đây nhiều lúc bận quá tôi cũng hay tranh thủ mua thịt lợn ở quầy bán thịt gần nhà. Nhưng từ khi có thông tin trên địa bàn tỉnh phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi, tôi thường vào siêu thị VinMart+ để mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. So với giá thịt lợn ở các chợ dân sinh thì giá thịt lợn trong siêu thị cao hơn nhưng tôi rất yên tâm về chất lượng thịt.

Để giúp người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ về bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đó không quay lưng với thịt lợn, bà Hoàng Thị Miền, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người cũng như các loài động vật khác. Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn khỏe mạnh để bảo đảm dinh dưỡng, tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng cần phải nhận biết được đâu là thịt lợn sạch, an toàn để lựa chọn được nguồn thực phẩm bảo đảm. Đồng thời, phải bảo quản và chế biến thịt lợn đúng cách.

  • Thịt lợn sạch, an toàn có thể phân biệt bằng mắt thường vì thịt lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái, xám, xanh nhạt, thịt không có độ đàn hồi. Còn thịt lợn sạch, an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, có độ đàn hồi, săn chắc, khi dùng tay ấn vào miếng thịt không bị nhão, không bị rỉ nước.
  • Để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe khi sử dụng thịt lợn, người dân cần chế biến và bảo quản thịt đúng cách. Thịt lợn mua về nên rửa qua nước muối pha loãng và rửa nhiều lần bằng nước sạch; thịt phải được nấu chín kỹ trong nhiệt độ 100oC; phải rửa dụng cụ như dao, thớt trước và sau khi chế biến thức ăn. Thịt sống, chín và các thực phẩm khác không để lẫn lộn.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày