Chủ nhật, 12/01/2025, 12:36[GMT+7]

Tăng cường kiểm soát thị trường thuốc bảo vệ thực vật

Thứ 7, 04/05/2019 | 14:37:34
2,544 lượt xem
Chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói riêng là vấn đề thường xuyên được đưa ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri khi tình trạng kinh doanh thuốc BVTV kém chất lượng vẫn diễn ra, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Nông dân huyện Đông Hưng phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

Thuốc BVTV là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nông sản. Tuy nhiên, đa số người dân không chủ động trong việc lựa chọn mà chọn mua qua giới thiệu của người bán hàng; thuốc BVTV thật, giả, kém chất lượng chỉ thực sự được nhận biết khi đã sử dụng trên cây trồng; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế. 

Bà Trương Thị Khoán, tổ 17, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cho biết: Gia đình tôi cấy 5 sào lúa để lấy thóc phục vụ gia đình. Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp quản lý nhà nước về các mặt hàng VTNN và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thường xuyên, quyết liệt hơn để bảo vệ sản xuất và sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, việc trang bị cho người dân cách nhận biết và hướng dẫn cách xử lý khi gặp phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng cũng cần được thực hiện nhiều hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền để người dân lựa chọn sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV của các đơn vị có uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng của ông Thiệu Văn Minh (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình).

Để sản xuất bền vững, an toàn, ngành Nông nghiệp đã tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như kiểm tra chất lượng các sản phẩm VTNN nói chung, thuốc BVTV nói riêng trên thị trường, tổ chức các đợt kiểm tra bám sát chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh ở mỗi mùa vụ. 

Ông Trần Quốc Dương, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Việc phối hợp với các cấp, ngành, công tác quản lý VTNN được Chi cục thực hiện ở tất cả các khâu từ sản xuất, buôn bán, sử dụng đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tham mưu cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo và hội thảo phân bón, thuốc BVTV... Năm 2018, chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá, phân loại được 654 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN thuộc diện quản lý, trong đó đánh giá, phân loại 127 cơ sở loại A, 438 cơ sở loại B, 89 cơ sở loại C. Chi cục tiến hành 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 3 cuộc kiểm tra đột xuất với 70 cơ sở, trong đó phát hiện 3 trường hợp vi phạm, phạt tiền 49 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: người trực tiếp làm dịch vụ BVTV không có trình độ chuyên môn về BVTV theo quy định, hoạt động dịch vụ BVTV không có văn bản đồng ý của UBND cấp xã, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, mở nhiều điểm buôn bán tại các thôn, xóm hoặc kéo xe lôi ra cánh đồng để bán trong các chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh, bán thuốc quá hạn sử dụng... Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã xử phạt hành chính 6 triệu đồng một cửa hàng ở huyện Quỳnh Phụ do kinh doanh thuốc BVTV chứa hoạt chất cấm Paraquat; cảnh cáo, nhắc nhở 13 trường hợp không duy trì hoặc thiếu các điều kiện quy định về kinh doanh thuốc BVTV.

Vụ xuân năm 2019 đang bước vào thời kỳ cao điểm phòng, trừ sâu bệnh, Phòng Thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán VTNN ở hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải. 

Ông Hoàng Ngọc Vịnh, Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi đã tiến hành xử phạt 2 trường hợp với số tiền 2,5 triệu đồng, buộc khắc phục vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là: buôn bán thức ăn chăn nuôi chung với thuốc BVTV, buôn bán thuốc quá hạn sử dụng, không có kệ kê hàng hóa...Ngoài ra còn phát hiện một số vi phạm về nhãn mác, hồ sơ, đoàn đã yêu cầu công ty sản xuất về giải trình.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, trong đó 2/3 là các cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, thời vụ theo chiến dịch. Để quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, các địa phương, cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp xử lý; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, khuyến cáo không sử dụng thuốc BVTV không được phép sử dụng. Để từ đó phát hiện, chấn chỉnh sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV tại địa phương.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày