Chủ nhật, 18/05/2025, 21:04[GMT+7]

Nông dân An Tràng phấn khởi xuống đồng

Thứ 5, 01/03/2012 | 15:28:03
1,761 lượt xem
Sau những ngày Tết lạnh giá, thời tiết đã bắt đầu hửng nắng như ủng hộ, động viên người nông dân xuống đồng. Trên khắp các cánh đồng của xã An Tràng (Quỳnh Phụ), từ sáng sớm đã nhộn nhịp tiếng bước chân, tiếng nói cười của bà con nông dân. Ai cũng hào hứng ra đồng. Bao lo lắng về thời tiết đã được giải tỏa, giờ là lúc bà con thi đua hoàn thành việc gieo cấy đúng lịch thời vụ.

Mỗi người một suy nghĩ, một hy vọng về mùa vụ mới, nhưng tất cả đều tràn ngập niềm tin vào một vụ lúa bội thu. Anh Nguyễn Văn Chuyên, thôn Thượng phấn khởi chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1 mẫu ruộng, mấy vụ nay gia đình tôi không cấy mà chuyển sang gieo vãi, vừa tiết kiệm được thời gian gieo mạ, vừa không phải thuê người cấy mà năng suất lúa lại cao hơn cấy nhiều”.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Miện, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) An Tràng cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện, vụ xuân năm 2010, An Tràng đã thử nghiệm gieo sạ, gieo vãi với diện tích 50ha, đạt gần 20% tổng diện tích canh tác. Qua thử nghiệm cho thấy gieo sạ có rất nhiều ưu điểm như: lượng thóc giống giảm, không phải tốn công làm cỏ, tiện lợi chăm sóc; lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, hạn chế sâu bệnh, giảm công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7- 10 ngày so với lúa cấy; tỷ lệ hạt thóc chắc hơn; số bông/ khóm gieo sạ cao hơn, (1m2 cấy chỉ đạt 200 bông lúa trong khi gieo sạ đạt gần 300 bông).

 

Đồng thời,  giảm công cấy, một sào cấy mất gần một ngày công nhưng gieo vãi chỉ mất hơn 10 phút. Đối với đồng đất An Tràng, bước đầu đánh giá năng suất tăng từ 30- 40 kg/sào. Vụ xuân 2011, năng suất trung bình đạt 74,6 tạ/ha, trong đó gieo sạ có hộ gia đình đạt trên 80 tạ/ha. Từ những ưu điểm đó, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức làm mạ dược, mạ sân, cấy lúa sang gieo sạ, gieo vãi. Đến nay, gieo thẳng đã trở thành phong trào chung trong toàn xã. Có thôn 80% - 90% hộ gia đình chuyển sang gieo vãi, nhiều hộ gieo vãi 100% diện tích.

 

Vụ xuân năm nay, gieo sạ trên diện tích tập trung đã lên tới gần 50% diện tích canh tác, là địa phương có diện tích gieo sạ cao nhất huyện. Những năm qua, An Tràng đã tập trung quy hoạch vùng để bố trí cơ cấu giống giúp bà con gieo sạ đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời tổ chức tập huấn về kỹ thuật gieo, cách chăm sóc trong các khâu sạ lúa; giao cho tổ kỹ thuật của thôn, xóm có trách nhiệm điều tiết nước. Diện tích lúa gieo thẳng ngày một tăng đã và đang đáp ứng được yêu cầu của việc chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành nghề khác do giảm được công lao động; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành nghề phụ ở địa phương.

 

Đối với diện tích lúa cấy bằng mạ sân, HTX cũng đã khuyến cáo bà con nhân dân gieo mạ quanh tiết lập xuân (25/01-10/02/2012) và cấy lúa trong khoảng trung tuần tháng 2, kết thúc ngày 25/2 theo đúng khung lịch thời vụ của huyện, khi mạ có từ 2,5- 3 lá, với các giống chủ lực như: TBR1, BC15, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1.... Người dân cũng được khuyến cáo và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khi gieo mạ như: gieo mạ trên nền đất cứng, gieo trên nền đất, nền vườn nơi khuất gió có lót nilon hoặc lá chuối, luôn bảo đảm giữ ấm, nền bùn dầy, lấp kín hạt bằng đất bột và tro bếp mục. Sau khi đã gieo, phủ nilon thành vòm kín chống rét, dùng bóng điện 100W sưởi ấm cho mạ nên mạ phát triển rất tốt.

 

Bà Nguyễn Thị Sỉu, thôn Tràng chia sẻ: Gia đình tôi đã thực hiện đúng sự hướng dẫn về cách chống rét cho mạ của cán bộ khuyến nông nên năm nay mặc dù rét đậm, rét hại kéo dài nhưng mạ vẫn phát triển tốt, không phải làm lại mạ hay đi xin mạ nữa. Bà Sỉu tin rằng “thuận lợi từ đầu vụ thế này, mong cây lúa sẽ nặng hạt, chắc bông”.

 

Tính đến ngày 25/02, 100% diện tích đã được gieo cấy. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Miện khẳng định: Trong năm nay, xã sẽ tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, diện tích gieo sạ, gieo vãi sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, khó khăn với An Tràng là hệ thống thủy lợi, các trạm bơm đang xuống cấp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng đồng bộ để bà con nông dân yên tâm chuyển đổi phương thức canh tác cũng như cơ cấu cây trồng.

Đức Dũng

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày