Chủ nhật, 12/01/2025, 16:39[GMT+7]

Nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân

Thứ 6, 10/05/2019 | 08:40:06
1,930 lượt xem
Chỉ còn khoảng một tháng nữa trà lúa xuân đại trà sẽ cho thu hoạch, tuy nhiên, tình hình sâu bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông có nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng tới năng suất lúa nếu không được phun phòng kịp thời.

Bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu bệnh để dự tính, dự báo là rất quan trọng.

Dự kiến đến ngày 10/5, toàn tỉnh có khoảng 60.000ha lúa trỗ, thấp tho trỗ. Thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ, nền nhiệt giảm những ngày qua cùng với nguồn bệnh sẵn trên đồng ruộng sẽ là điều kiện thích hợp cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại và bùng phát thành dịch. Ngày 2/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công điện khẩn số 18-CĐ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, trừ bệnh đạo ôn hại cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu hại khác, bảo vệ an toàn lúa xuân năm 2019; ngày 4/5/2019, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, trừ bệnh đạo ôn hại cổ bông và các đối tượng sâu bệnh hại khác. 

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã cùng cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra công tác phòng, trừ sâu bệnh tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, việc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân hai chấm đã được nông dân thực hiện tốt, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra song với bệnh đạo ôn cổ bông, hại gié lúa còn tồn tại, hạn chế. Đến ngày 6/5, diện tích phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông mới đạt 26.000ha trong tổng số 50.000ha. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với cây lúa bởi khi phát hiện thấy bệnh trên cổ bông thì đã muộn, vô phương cứu chữa, bông lúa sẽ lép hạt, thiệt hại năng suất vì vậy đối với bệnh này phương châm phòng là chủ đạo.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Với mỗi loại sâu bệnh và tùy thuộc từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đều có những khuyến cáo riêng. Để phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân. Việc bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh phát triển của sâu bệnh để dự tính, dự báo là rất quan trọng. Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại cho lúa thì công tác phòng, trừ sâu bệnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải phòng, trừ từ trước bởi vì khi cây lúa đã bị bệnh thì các loại thuốc bảo vệ thực vật không có tác dụng... Kiến Xương có khoảng 7.000ha lúa trỗ bông trước ngày 10/5 phải được phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông ngay. Trạm đã liên tục ra thông báo bổ khuyết, phân công cán bộ tăng cường xuống các địa phương hướng dẫn bà con phun phòng bệnh bảo đảm hiệu quả.  

Cũng như Kiến Xương, huyện Quỳnh Phụ đang tích cực chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nông dân phòng, trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ bởi có đến 10.000ha trong tổng số 11.500ha lúa xuân trỗ bông trong giai đoạn “nhạy cảm” này (trỗ bông trước ngày 10/5). Ngoài bệnh đạo ôn cổ bông, huyện cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng theo dõi phát sinh, diễn biến các đối tượng hại khác, đặc biệt là rầy đang liên tục bổ sung mật độ để phun trừ kịp thời.

Với phương châm phòng là chính, ngày 6/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đôn đốc các địa phương chỉ đạo nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và gié lúa cho toàn bộ diện tích lúa trỗ bông từ ngày 25/4 đến 10/5, phải phun 2 lần, lần 1 khi lúa thấp tho trỗ (3 - 5% số bông), lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn; ngoài ra, diện tích lúa đang ở giai đoạn uốn câu, ngậm sữa cũng cần phun 1 lần, sau phun từ 5 - 7 ngày kiểm tra lại. Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và sản phẩm có uy tín, nhận diện trên thị trường; phun theo nguyên tắc “4 đúng”.

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày