Thứ 3, 05/11/2024, 17:24[GMT+7]

Một số tồn tại trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:27:47
2,043 lượt xem
Tính đến ngày 16/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tại 281/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của 8 huyện, thành phố; số lợn đã tiêu hủy là 316.900 con (chiếm 38,4% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Tổng chi phí tiêu hủy và dự kiến hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi hơn 470 tỷ đồng.

Người dân tự tìm cách tiêu hủy hoặc vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy không bảo đảm quy trình cũng là nguyên nhân lây lan nguồn bệnh.

Đến nay, bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và lây lan ở hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Đặc biệt, sau gần 3 tháng phát sinh ổ dịch đầu tiên, bệnh dịch đã xâm nhập vào các trang trại chăn nuôi tập trung, biệt lập và có quy mô từ 50 - 1.000 con. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khách quan khiến bệnh lây lan diện rộng là do số lượng hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lớn (trên 70.000 hộ), mật độ chăn nuôi cao, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm hơn 99% số hộ chăn nuôi của tỉnh lại nằm xen kẽ trong khu dân cư nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hơn nữa, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại trong môi trường với thời gian dài; thời điểm phát sinh dịch bệnh đúng lúc thời tiết mưa ẩm bất lợi cho việc thực hiện các biện pháp xử lý bệnh dịch như tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh khiến cho việc tiêu diệt mầm bệnh không triệt để.
Về nguyên nhân chủ quan, qua thực tế phòng, chống dịch ở các địa phương cũng nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, triệt để. Ở một số địa phương, do số lượng lợn chết xảy ra trên diện rộng trong cùng một thời điểm mà lực lượng tiêu hủy lợn không đủ nên lợn chết để trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tìm cách tiêu hủy hoặc vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy không bảo đảm quy trình. Ông Nguyễn Văn Đán, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Thanh Tân (Kiến Xương) cho biết: Thời điểm mới phát sinh dịch bệnh tại địa phương, số lượng lợn chết còn ít, đội tiêu hủy của xã đến các hộ gia đình có lợn chết thực hiện các biện pháp đưa lợn đi tiêu hủy bảo đảm đúng quy trình. Lợn chết được bọc kín trong túi nilon, bao, bạt, vận chuyển bằng phương tiện có sàn kín để tránh rơi vãi chất thải trên đường đi. Phương tiện vận chuyển được vệ sinh, khử trùng trước khi vận chuyển và sau khi rời khỏi khu vực tiêu hủy. Nhưng khi lợn chết xảy ra cùng lúc tại nhiều hộ gia đình, đội tiêu hủy lợn hoạt động quá tải, người dân tự vận chuyển lợn ra khu vực tiêu hủy mà không bảo đảm các yếu tố tránh lây lan nguồn bệnh.

Theo quan sát của chúng tôi tại một số địa phương, kỹ thuật tiêu hủy lợn không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ, không được che chắn cẩn thận dẫn đến các chất thải, phân lợn, dịch tiết rơi vãi ra môi trường. Ông Cao Đăng Thành ở thôn Vân Động, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) cho biết: Toàn bộ 70 con lợn của gia đình tôi đều bị mắc bệnh và chết rải rác qua các ngày. Mặc dù được địa phương tuyên truyền, nhắc nhở phải thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy tránh nguồn bệnh lây lan nhưng do số lượng lợn chết quá lớn, gia đình lại thiếu người và dụng cụ nên việc vận chuyển ra khu vực tiêu hủy gặp rất nhiều khó khăn, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống bệnh dịch gặp khó khăn và chưa hiệu quả đó là một bộ phận người chăn nuôi đã vứt lợn chết ra môi trường, sông ngòi gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh khiến các lực lượng phải thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, việc chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy đã dẫn đến tình trạng người chăn nuôi không tích cực phòng, chống dịch; thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch cũng chưa phù hợp nên việc huy động lực lượng chống dịch gặp khó khăn; các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống bệnh dịch. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông, con người di chuyển qua các vùng dịch chưa thực hiện triệt để cũng là nguyên nhân làm phát tán, lây lan mầm bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, để sớm kiểm soát và khống chế bệnh dịch, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Tập trung huy động các lực lượng để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ theo đúng quy định, tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày