Cần “tiếp sức” cho thú y cơ sở
Gắn bó bởi cái tình
Bà Tô Thị Minh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Phúc Khánh (Hưng Hà) gắn bó với công tác thú y từ năm 1975 đến nay chia sẻ: Mỗi khi xã có dịch, tôi phải đi làm từ sáng sớm tới tối mịt với nhiều việc khác nhau như tham mưu cho chính quyền xã biện pháp phòng và dập dịch, triển khai và trực tiếp tiêm vắc-xin phòng dịch cho vật nuôi, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình dịch, tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết... Còn vào mỗi vụ tiêm phòng, do thú y viên không có chế độ nên không mặn mà với nghề, trách nhiệm cũng hạn chế nên gần như tôi là người đi tiêm phòng toàn bộ cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Trước đây, mỗi năm tôi chỉ được cấp 1 tạ thóc. Từ năm 2008, tôi được hưởng phụ cấp 1,0 mức lương cơ bản. Mức trả công đó là quá ít, không tương xứng với công sức lao động và đòi hỏi tâm huyết với nghề. Ngoài ra tôi không có thêm khoản thu nhập nào, không được đóng BHYT, BHXH... Dù công việc vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao song vì yêu nghề, vì cái tình với bà con nên tôi vẫn theo nghề mặc dù cũng có lúc buồn, cũng có lúc nghĩ đến muốn bỏ nghề.
Cùng chung tâm trạng của bà Minh, ông Ngô Văn Cường, thú y viên thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Tôi gắn bó với nghề từ năm 1986 đến nay. Tôi và nhiều thú y viên khác không có chế độ gì. Vào mỗi đợt tiêm phòng, chúng tôi làm bao nhiêu thì được trả công bấy nhiêu, mức trả cũng rất thấp, chỉ từ 3.000 - 7.000 đồng/con. Ngoài ra, chúng tôi còn phải tự túc trang thiết bị đi làm nếu địa phương không trang bị cho. Mỗi đợt tiêm phòng, tôi đi 2 - 3 ngày, tiêm khoảng 1.000 con gia súc, gia cầm trong thôn. Đặc thù công việc của thú y viên là thường xuyên phải đi làm vào những giờ buổi trưa, buổi tối vì lúc đó chủ hộ chăn nuôi mới có nhà. Thậm chí có những khi đến nhà thì chủ hộ lại không cho tiêm phòng vật nuôi nên rất mất công sức. Không chỉ vất vả, chúng tôi còn phải đối mặt với những nguy hiểm do phải trực tiếp tiếp xúc với dịch bệnh hoặc nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp. Ngày trước, mỗi vụ tiêm phòng tôi được vài chục cân thóc. Hiện nay, mỗi vụ tôi được hỗ trợ 500.000 đồng. Thu nhập từ nghề rất thấp song tôi vẫn theo nghề bởi phần yêu nghề, phần vì tình nghĩa, trách nhiệm với bà con lối xóm.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).
“Tiếp sức” cho thú y cơ sở
Hiện nay, trưởng ban chăn nuôi và thú y xã có mức phụ cấp thấp còn thú y viên thậm chí còn không có phụ cấp mà chỉ được trả công khi địa phương huy động trong các đợt tiêm vắc-xin chính vụ, dập dịch. Do đó, sự ràng buộc về trách nhiệm của thú y viên là không có. Bà Đỗ Thị Ngà, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hưng Hà cho biết: Ban chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn thường có 1 trưởng ban và từ 4 - 5 thú y viên. Thế nhưng, với cơ chế hiện nay chỉ có trưởng ban được hưởng phụ cấp, thú y viên chỉ được hưởng thù lao khi tham gia công tác tiêm phòng, chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, để thú y viên theo đuổi và có trách nhiệm với nghề là rất khó. Đặc biệt, khi có dịch bệnh, nếu không có lực lượng thú y viên kịp thời phát hiện, tiêm phòng thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Ngay trong đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi này, mặc dù nhận thức rõ nguy hại của bệnh dịch song do lực lượng mỏng nên công tác tuyên truyền cũng như việc xuống từng gia đình hướng dẫn, hỗ trợ phòng dịch của các ban chăn nuôi và thú y xã, thị trấn là rất hạn chế. Bà Tô Thị Minh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Phúc Khánh chia sẻ thêm: Đợt dịch bệnh này chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường khi có hộ dân báo có lợn bị ốm, chết để nắm tình hình, báo cáo lên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện. Thậm chí bất cứ giờ nào cán bộ của Trạm đến chúng tôi đều có mặt để cùng lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn hộ chăn nuôi phòng dịch bệnh hay tiêu hủy lợn chết theo quy trình. Ban Chăn nuôi và Thú y xã ít người nên khi có dịch bệnh hay vào vụ tiêm phòng công việc càng thêm bận rộn, khó khăn.
Bà Đỗ Thị Ngà, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết thêm: Hiện nay, hệ thống thú y của toàn huyện Hưng Hà có 171 người, trong đó có 35 trưởng ban và 136 thú y viên. Nhìn chung, trình độ chuyên môn của các trưởng ban, thú y viên đều đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Hiện toàn huyện có 11 trưởng ban chăn nuôi và thú y quá tuổi lao động. Theo quy định của nhà nước, phụ cấp của trưởng ban chăn nuôi và thú y cấp xã là 1,0 mức lương cơ bản và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đội ngũ thú y viên cơ sở không được hưởng chế độ mà chỉ được trả thù lao khi địa phương huy động tham gia tiêm phòng. Một số thú y viên được xã trả 200.000 đồng/năm. Tuy nhiên, số này rất ít. Do đội ngũ thú y viên không có chế độ nên nhiều xã trưởng ban chăn nuôi và thú y phải kiêm tất cả mọi việc, nhất là việc triển khai tiêm phòng vắc-xin những vụ chính.
Thực tế hiện nay tại một số địa phương ở huyện Hưng Hà lực lượng thú y viên đang có xu hướng giảm, không mặn mà với công việc. Nhiều địa phương chậm tiến độ trong các đợt tiêm phòng là do thiếu hụt lực lượng thú y viên. Do đó, rất cần có chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích và điều kiện vật chất cho đội ngũ thú y cơ sở để đội ngũ này hoạt động có hiệu quả hơn. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần có những giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ những vướng mắc để đội ngũ thú y cấp xã yên tâm gắn bó lâu dài với công việc, góp phần bảo đảm cho chăn nuôi tại địa phương phát triển bền vững.
Mai Thư
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và các dự án luật
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị