Thứ 3, 05/11/2024, 17:23[GMT+7]

Hồng Tiến chăm sóc các đối tượng thủy sản mùa nắng nóng

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:24:10
1,417 lượt xem
Xã Hồng Tiến (Kiến Xương) là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Những ngày vừa qua xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài, nền nhiệt ở mức cao kèm theo mưa giông gây bất lợi cho hoạt động NTTS. Hiện nay, người dân Hồng Tiến đang chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản.

Người dân cải tạo những ao đã thu hoạch để chuẩn bị thả vụ tôm mới.

Hồng Tiến có 140ha NTTS gồm diện tích mặt nước nuôi tôm, cá và diện tích khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên như cua, cáy, rươi. Những năm qua, nhờ chủ động thực hiện các điều kiện cần thiết mỗi khi bước vào vụ nuôi mới cũng như chú trọng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ con nuôi trong mùa nắng nóng mà người dân có thu nhập cao từ hoạt động NTTS. Đặc biệt, người dân địa phương đã chuyển 30ha diện tích nuôi cá truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trước đây.

Ông Đào Văn Đại, thôn Nam Tiến cho biết: Gia đình tôi có 4,5 mẫu ao, trước chủ yếu nuôi cá, 2 năm gần đây chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm nuôi 3 vụ tôm, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng/năm. Năm nay đã thu được 1 vụ, hiện tôi đang cải tạo những ao đã thu hoạch để chuẩn bị thả vụ mới và tiếp tục chăm sóc tôm ở những ao chưa thu hoạch. Nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Những ngày nhiệt độ cao, gia đình tôi phải luôn duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,5m và tăng cường chạy quạt nước để tránh chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước, từ đó hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Khi xuất hiện những cơn mưa lớn làm cho mực nước trong ao dâng lên, ngoài việc xả bỏ nước tầng mặt, tôi còn sử dụng hệ thống sục khí để cung cấp thêm oxy cho tôm, đồng thời định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định môi trường nước, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Để có kiến thức phục vụ cho chăn nuôi, chúng tôi thường xuyên tham gia những lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật NTTS, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế do HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã tổ chức, đồng thời tham khảo kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng NTTS từ nhiều năm nay với diện tích mặt nước gần 3 mẫu, gia đình ông Trần Thế Song, thôn Đông Tiến chủ yếu nuôi các giống cá truyền thống và nuôi thêm cá vược. Ông Song cho biết: Để chống nóng cho đàn cá, tôi bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi bảo đảm duy trì độ sâu mực nước ao từ 1,5m trở lên, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao làm chỗ trú ẩn cho cá. Đối với những ngày nhiệt độ trên 35oC, tôi cắt giảm lượng thức ăn cho cá, chỉ cho ăn vào sáng sớm và chiều mát, không để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước; dùng máy sục khí, quạt nước để tăng cường oxy trong ao.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Để giúp người dân có vụ NTTS năng suất và hạn chế dịch bệnh phát sinh, ngay từ đầu vụ, HTX hướng dẫn bà con thực hiện công tác cải tạo ao đầm, đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ về giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản cho các hộ nuôi. Từ đầu năm đến nay, HTX đã tiếp nhận 3,5 tấn cloramin B để xử lý nguồn nước, tiêu diệt mầm bệnh trước khi cấp nước cho vụ nuôi mới cũng như phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho 120 lượt người. Vào những đợt nắng nóng, thời tiết thay đổi bất thường, HTX chỉ đạo người NTTS phải chú trọng theo dõi chất lượng nước ao nuôi và tình hình sức khỏe con nuôi; tính toán mật độ nuôi phù hợp; bổ sung nước thường xuyên trong ao nuôi bảo đảm số lượng nước, chất lượng nước, trước khi cấp nước vào ao phải xử lý nguồn nước. Tăng cường quạt nước, sục khí để làm mát và tạo oxy trong ao; căng, phủ lưới đen phía trên mặt ao để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với từng đối tượng nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn cho con nuôi; định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước tránh gây ô nhiễm môi trường.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày