Thứ 3, 05/11/2024, 17:21[GMT+7]

Nam Thắng: Làm tốt công tác tiêu hủy lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 05/06/2019 | 16:02:52
898 lượt xem
Thời gian qua, xã Nam Thắng (Tiền Hải) đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt không để tình trạng lợn chết gây ô nhiễm môi trường.

Lợn bị bệnh dịch chết được tổ ứng phó nhanh của xã Nam Thắng thực hiện đúng quy trình xử lý theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Giữa cái nắng mùa hè nhiệt độ ngoài trời lên gần 40oC, các thành viên của tổ ứng phó nhanh tiêu hủy lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi của xã Nam Thắng vẫn cần mẫn đến từng hộ chăn nuôi có lợn bị chết để thu gom, thực hiện theo đúng quy trình chỉ đạo của ngành chuyên môn. Các thành viên mỗi người một việc, người phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, người ghi chép số đầu lợn, cân nặng, lập hồ sơ thống kê... Mặc dù công việc rất vất vả, lợn chết bốc mùi trong nắng nóng nhưng các thành viên tổ ứng phó nhanh vẫn không quản ngại. Bất kể thời gian sớm tối tất cả các thành viên phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, ứng trực kịp thời xử lý thông tin của nhân dân phản ánh, thông báo để triển khai công việc thu gom, bảo đảm tình trạng lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi không làm ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi, khu dân cư. 

Chia sẻ về công việc xử lý lợn bệnh, ông Trần Văn Huynh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: UBND xã đã thành lập các tổ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó tổ ứng phó nhanh làm tốt các nhiệm vụ tiêu hủy lợn tại ổ dịch, tiêu độc, khử trùng, kiểm soát dịch bệnh. Thành viên là các công chức UBND xã, nhân viên HTX, đại diện các đoàn thể. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại địa phương, tổ ứng phó nhanh đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để tránh nguy cơ lây lan ra diện rộng như: phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, dùng nilon bọc xác lợn chết để hạn chế mức phát tán nguồn bệnh khi di chuyển lợn từ các hộ dân đến nơi chôn lấp. Đồng thời địa phương cũng đã nghiêm cấm người dân tiêu hủy tự do, giám sát chặt chẽ việc thống kê số lượng, trọng lượng, tránh để xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, khi chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh, hố sau khi đào phải được rải một lớp vôi bột xuống đáy, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt.

Ông Vũ Ngọc Tính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tổng đàn lợn của Nam Thắng là 3.200 con với 450 hộ nuôi. Sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, xã đã chủ động thực hiện nghiêm quy trình xử lý trong việc khoanh vùng dập dịch, chôn lấp, tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Đặc biệt, xã đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi hiểu được sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động thông báo và tích cực phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch, phòng, chống lây lan... Tập trung tuyên truyền, thực hiện nghiêm “5 không”: không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý và “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực tại chỗ, huy động vật lực tại chỗ, huy động phương tiện tại chỗ. Các tổ chuyên trách đã được phân công xử lý lợn chết theo hướng dẫn của ngành chuyên môn như: tổ cân lợn, tổ lập biên bản, tổ tiếp nhận lợn xử lý chôn lấp. 

Việc tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt buộc và phải thực hiện đúng quy trình, bởi vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp, vi rút có thể tồn tại trong phân, máu, bài tiết... Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển lợn đến địa điểm tiêu hủy được địa phương lựa chọn có sàn kín để không làm rơi vãi máu và chất thải của lợn trong quá trình vận chuyển. Đồng thời vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy, người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh thực hiện vệ sinh, sát trùng tránh làm lây lan mầm bệnh. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xã Nam Thắng còn xây dựng hệ thống kết nối mạng với thành viên các tổ chuyên trách nhằm điều hành công việc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao hàng ngày. Theo quy định khoảng 18 giờ hàng ngày các tổ báo cáo về UBND xã để đối chiếu số liệu kiểm đếm, thẩm định lại hồ sơ. Trong đó, việc thống kê các cán bộ địa phương đã làm đúng trình tự mỗi hộ dân đều lập 1 bộ hồ sơ, gồm có 7 thủ tục, bảo đảm chặt chẽ, tránh để xảy ra sai sót, tiêu cực. Đến nay, Nam Thắng đã sử dụng 300kg hóa chất, 5 tấn vôi bột, trên 200kg bao nilon... cho công tác dập bệnh dịch tả lợn châu Phi. Số lợn bị tiêu hủy gần 900 con.

Mạnh Thắng  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày