Thứ 4, 27/11/2024, 07:44[GMT+7]

Hưng Hà: Nhiều giải pháp giải cứu đàn lợn

Thứ 5, 06/06/2019 | 17:45:38
1,024 lượt xem
Tháng 2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi “càn quét” qua Hưng Hà như một cơn bão mà đến giờ “hoàn lưu bão” vẫn đang hoành hành, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra, huyện đã và đang có nhiều giải pháp giải cứu đàn lợn.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng.

Là một trong những hộ có đàn lợn lớn nhất nhì xã Đông Đô, gia đình ông Hoàng Văn Nhã, thôn Mậu Lâm vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại thì gặp bão giá năm 2017; năm 2018 được một lứa lợn bán với giá cao, chưa kịp thu hồi vốn thì đã gặp bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Gia đình ông không khỏi lo lắng, thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Mặc dù đã phòng, chống dịch cẩn thận: phun hóa chất tiêu độc 1 lần/ngày, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, vệ sinh sạch sẽ và thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cho lợn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhưng đến nay gia đình ông vẫn phải tiêu hủy hơn 200 con, trọng lượng trên 1,5 tấn. 

Ông Nhã chỉ mong Nhà nước có thêm sự hỗ trợ về thuốc khử trùng trong phòng, chống dịch, khống chế dịch bệnh, tạo thuận lợi trong tiêu thụ đàn lợn khỏe mạnh đã đến kỳ xuất bán và hỗ trợ số lượng lợn đã tiêu hủy để góp phần trang trải tiền thức ăn chăn nuôi và các khoản vay ngân hàng khác.

Đông Đô là xã có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Hưng Hà với tổng đàn trên 12.000 con vào thời điểm xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên. Để bảo vệ đàn vật nuôi, xã đã huy động tổng lực phòng, chống và khống chế dịch. Đến cuối tháng 5, địa phương đã sử dụng trên 1.350 lít hóa chất, 59.000kg vôi bột, tiêu hủy trên 200 tấn lợn mắc bệnh. Hiện tổng đàn lợn của xã còn gần 8.000 con. Đến nay, đa phần các hộ có lợn đã đến kỳ xuất bán, tuy nhiên thị trường đang “đóng băng”, việc tiêu thụ lợn bị chậm. 

Ông Nguyễn Viết Luyến, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Giải pháp của Đông Đô trong tình hình hiện nay là khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện nghiêm công tác tiêu độc, khử trùng trong phòng, chống dịch, không tái đàn khi địa phương còn có dịch và phối hợp với các ngành chức năng tiêu thụ lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất bán.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, Hưng Hà đã huy động tổng lực khống chế và phòng, chống dịch. Đến cuối tháng 5, huyện đã sử dụng trên 12.600 lít hóa chất, gần 840 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Cùng với khống chế không để bệnh dịch lây lan, huyện tổ chức tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời khuyến cáo người dân không quay lưng với thịt lợn.

Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND huyện kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các công ty, xí nghiệp trên địa bàn chung tay tiêu thụ lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán giúp người chăn nuôi. 

Trong những ngày tháng 5, Hưng Hà đã có 227 đơn vị tiêu thụ được trên 93.000kg  thịt lợn. Toàn bộ lợn trước khi thịt được kiểm tra sức khỏe, tổ chức giết mổ theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để công tác phòng, chống dịch tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định, sớm khống chế và tiến tới thanh toán bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Hưng Hà chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện; trong đó, chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy lợn ốm, chết do nhiễm dịch bảo đảm đúng quy định; thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế sự lây lan mầm bệnh, góp phần nhanh chóng khống chế và tiến tới thanh toán dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các quy định trong phòng, chống dịch. Trong thời gian có dịch không thực hiện nuôi mới, tái đàn, phối giống cho đàn lợn nái đối với các hộ chăn nuôi và trại đã xảy ra dịch; để trống chuồng và tiêu độc, khử trùng đúng quy trình kỹ thuật ngành chuyên môn hướng dẫn. Đối với các trại còn an toàn chỉ thực hiện tái đàn nội bộ, không nhập lợn từ bên ngoài, không sử dụng tinh lợn từ bên ngoài để phối giống cho đàn lợn nái, thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Quản lý chặt chẽ đàn lợn hiện có, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để các hộ tự ý nuôi mới, tái đàn trong lúc đang có dịch và chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cấp trên, nếu hộ chăn nuôi tái đàn không đúng quy định, dịch bệnh xảy ra sẽ buộc tiêu hủy mà không có hỗ trợ theo quy định của nhà nước.

Trúc Lành

(Đài TTTH Hưng Hà)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày